Điểm tin

Nhiều yếu tố bất lợi cản trở Indonesia đón làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc

20 tháng 05. 2020

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2019 nhấn mạnh yếu tố pháp lý không ổn định, chủ nghĩa dân tộc kinh tế, hạn chế xuất nhập khẩu là những yếu tố khiến việc đầu tư vào Indonesia không hấp dẫn.

Tình trạng quan liêu tại Indonesia sẽ có thể cản trở đầu tư từ các công ty dược phẩm Mỹ hiện đang tính đến việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo nhận định của giới chuyên gia. 

Theo Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, ông Luhut Pandjaitan, chính phủ Indonesia đang có các cuộc đối thoại về khả năng sẽ thu hút đầu tư từ các công ty dược phẩm Mỹ có nguyện vọng muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước RRI, ông Luhut nói: “Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang đối đầu với Trung Quốc và ông muốn chuyển một số ngành sản xuất ra khỏi Trung Quốc”. Chính phủ Indonesia hiện đang chuẩn bị khu vực kinh tế đặc biệt có diện tích đến 4.000 héc ta để đón làn sóng đầu tư ngành dược phẩm. Khu vực này thuộc khu công nghiệp Brebes tại trung tâm Java.

Ông Luhut nói: “Tổng thống Jokowi đã không ngừng nói về việc thay đổi địa điểm sản xuất của các công ty dược phẩm Mỹ với Tổng thống Mỹ Donald Trump”. Ông cũng nói thêm rằng hiện tại 90% các nguyên liệu sản xuất dược phẩm tại Indonesia vẫn còn thiếu và cần phải nhập khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội Dược phẩm Indonesia, ông Tirto Koesnandi, tuy nhiên lo ngại rằng khung chính sách hiện còn chưa phù hợp và mức lương người lao động cao có thể cản trở đầu tư vào sản xuất tại Indonesia.

Vào ngày thứ Ba, báo Jakarta đưa tin: “Môi trường đầu tư của chúng ta vẫn còn không hấp dẫn được nhà đầu tư, trong đó phải kể đến các công ty dược phẩm Mỹ. Mức lương vẫn còn quá cao và còn rất nhiều quy định khiến cho việc đầu tư không hấp dẫn”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2019 nhấn mạnh rằng yếu tố pháp lý không ổn định, chủ nghĩa dân tộc kinh tế và hạn chế xuất nhập khẩu là những yếu tố khiến cho việc đầu tư vào Indonesia không hấp dẫn.

Đối với ngành dược phẩm, chuyên gia chỉ ra rằng yếu tố quan trọng cản trở nhà đầu tư chính là quy định yêu cầu việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất. Indonesia hiện không thể cung cấp đủ nguồn cung nguyên liệu sản xuất dược phẩm bởi Indonesia hiện không có chuỗi cung ứng. Ngoài ra, năng suất lao động của người Indonesia cũng thấp, điều này sẽ khiến nhà đầu tư không hài lòng. 

Kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật (JETRO) cho thấy chỉ số năng suất lao động tại các nhà máy của Indonesia ở mức 74,4 điểm tính trên thang 100 điểm. Chỉ số về năng suất lao động của Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam lần lượt ở mức 86,3 điểm; 82,7 điểm; 80,1 điểm và 80 điểm.

Nguồn: BizLive

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: