Điểm tin

Mỹ đầu tư 2 tỷ USD vào quỹ đầu tư quốc gia của Indonesia

25 tháng 11. 2020

Mới đây, Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (IDFC) đã ký ý định thư về việc đầu tư 2 tỷ USD vào quỹ đầu tư quốc gia (SFW) Indonesia có tên gọi là Cơ quan Đầu tư Indonesia.

Giám đốc điều hành IDFC Adam Boehler đã ký ý định thư nói trên trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan trong chuyến thăm Mỹ nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Trong một tuyên bố, Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư nhấn mạnh: “Trong khuôn khổ chương trình cải cách kinh tế, chính phủ Indonesia tiếp tục phát triển các lựa chọn về tài chính và đầu tư tư nhân vào các dự án chiến lược quốc gia và các ưu tiên khác. Sự hợp tác này sẽ tăng cường quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Indonesia.”

Chính phủ Indonesia hy vọng rằng khoản đầu tư của IDFC sẽ giúp thu hút các công ty Mỹ đầu tư vào Indonesia. Theo đó, IDFC sẽ hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Singapore để đầu tư vào SWF của Indonesia.

Chính phủ đặt mục tiêu công bố thành lập Cơ quan Đầu tư Indonesia vào tháng 1/2021 nhằm tăng cường thu hút đầu tư và hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Việc thành lập SWF đã được ghi trong Luật omnibus (đạo luật gồm nhiều nội dung) về tạo việc làm được Quốc hội thông qua hồi tháng Mười.

Trước đó hôm 17/11, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho hay SWF sẽ cung cấp các quỹ chuyên biệt nhằm huy động 15 tỷ USD vốn đầu tư và tăng cường khả năng tiếp cận vốn toàn cầu của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Cấu trúc này đã được thông qua để thu hút các nhà đầu tư toàn cầu với nhiều lựa chọn khác nhau về độ rủi ro, lợi tức và thời gian đầu tư.

Hồi đầu tháng Mười, bà Sri Mulyani cho biết Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị 75.000 tỷ rupiah (5,1 tỷ USD) vốn ban đầu cho SWF, trong đó có 30.000 tỷ rupiah tiền mặt và phần còn lại dưới dạng cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và các tài sản nhà nước khác.

Indonesia đã công bố kế hoạch thành lập SWF từ lâu trước khi Luật omnibus được thông qua. Tính đến nay, UAE và tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã bày tỏ quan tâm đầu tư vào quỹ này.

Trong khi chính phủ tỏ ra lạc quan về SWF, các chuyên gia lại cho rằng công tác quản lý quỹ sẽ đòi hỏi sự thận trọng nhằm ngăn chặn rủi ro đạo đức từng khiến quỹ đầu tư quốc gia 1Malaysia Development Berhad (1MDB) của Malaysia bị sa lầy.

Nhà kinh tế cao cấp Aviliani thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) khẳng định SWF có thể tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Indonesia, vốn bị cản trở bởi sự không chắc chắn của các quy định. Tuy nhiên, quỹ cần được triển khai và giám sát cẩn trọng để tránh bất kỳ rủi ro nào./.

Nguồn: Báo Bnews

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: