Điểm tin

Nội các Thái Lan phê duyệt khuôn khổ đàm phán FTA ASEAN - Canada

12 tháng 11. 2021

Nội các Thái Lan ngày 9/11 vừa qua đã thông qua khuôn khổ đàm phán cho Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada (FTA ASEAN - Canada) với hy vọng hiệp định này sẽ giúp mở ra cánh cửa cho Thái Lan vào Bắc Mỹ.

Theo bà Rachada Dhanadirek, Phó Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan, hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư, giảm bớt những trở ngại từ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan cũng như thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ giữa các thành viên ASEAN và Canada.

Khuôn khổ đàm phán FTA bao gồm thương mại, bảo hộ và các biện pháp phòng vệ thương mại; quy tắc xuất xứ; thủ tục hải quan; tạo thuận lợi thương mại, tiêu chuẩn vệ sinh; thông lệ về các quy tắc thương mại, dịch vụ và đầu tư; sở hữu trí tuệ, lao động và bảo vệ môi trường; cạnh tranh thương mại, mua sắm nhà nước; và sự di chuyển tự do của con người.

Trước đó, Ban Thư ký ASEAN đã nghiên cứu FTA ASEAN - Canada và nhận thấy rằng GDP của Thái Lan có thể tăng thêm 7,967 tỷ USD (khoảng 254,944 tỷ baht), tương đương tăng 1,97% trong khi GDP của ASEAN sẽ tăng 39,361 tỷ USD, tăng 1,6%. Trong khi đó, hiệp định có thể thúc đẩy GDP của Canada thêm 5,104 tỷ USD (163,328 tỷ baht), tăng 0,3%. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Thái Lan và Canada đạt 2,31 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 0,53%. Trong tổng số, xuất khẩu chiếm 1,54 tỷ USD, tăng 0,67%, trong khi nhập khẩu là 767 triệu USD.

Theo bà Rachada, FTA ASEAN - Canada có thể tạo ra sự liên kết chuỗi cung ứng của Thái Lan với Bắc Mỹ hoặc là cửa ngõ vào các khu vực mà Thái Lan chưa có FTA. Các mặt hàng xuất khẩu đầy hứa hẹn bao gồm nông sản và nông sản chế biến, sản phẩm cao su và máy móc. Các sản phẩm nhập khẩu chính của Thái Lan từ Canada bao gồm thịt lợn, cá đông lạnh, lúa mì và đồ nội thất bằng gỗ.

Bà Rachada lưu ý rằng, FTA có thể gây ra sự cạnh tranh gay gắt cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, thúc giục các doanh nghiệp tăng tốc nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng của họ; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giao dịch trực tuyến, quyền lao động và bảo vệ môi trường. Thái Lan hiện có 13 FTA với 18 quốc gia.

Trong một diễn biến riêng, Nội các Thái Lan cũng đã thông qua khung kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội lần thứ 13 của đất nước, kéo dài từ năm 2023 - 2027. Kế hoạch mới nhằm chuyển đổi Thái Lan từ các ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế dựa trên tri thức hoặc giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và nâng cấp lĩnh vực sản xuất thành các ngành có giá trị gia tăng cao hơn như mô hình kinh tế sinh học, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: