Điểm tin

Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Malaysia

27 tháng 12. 2021

Mỹ và Malaysia sẽ phối hợp với các đối tác của cả Mỹ và Malaysia để phát triển sự minh bạch và tin cậy hơn trong các lĩnh vực liên quan đến sản xuất và chế tạo cũng như chuỗi cung ứng của mình.

Tập đoàn Intel (Mỹ) có kế hoạch xây dựng các cơ sở đóng gói và thử nghiệm thiết bị bán dẫn mới tại Malaysia trong khi Chính phủ Mỹ đẩy mạnh hợp tác trong chuỗi cung ứng chip an toàn. Malaysia tiếp tục nhận được các khoản đầu tư từ khắp nơi trên thế giới bất chấp dịch bệnh và những lo ngại về những gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Trong chuyến thăm Malaysia vào ngày 18/11/2021, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia (MITI) Mohamed Azmin Ali đã đưa ra một tuyên bố chung. Tuyên bố cho biết, hai bộ có kế hoạch hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực công nghiệp về tính minh bạch, bảo mật và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Hai nước cũng sẽ phối hợp với các đối tác của cả Mỹ và Malaysia để phát triển sự minh bạch và tin cậy hơn trong các lĩnh vực liên quan đến sản xuất và chế tạo cũng như chuỗi cung ứng của mình.

Theo hai Bộ trưởng, với vai trò quan trọng của Malaysia trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với chất bán dẫn, điện tử, sản phẩm y tế và các mặt hàng quan trọng khác, tuyên bố này là bước đi đầu tiên trong hợp tác giải quyết các thách thức về chuỗi cung ứng hiện tại và dài hạn đối với cả Mỹ và Malaysia cũng như nền kinh tế toàn cầu. Tuyên bố cũng cho hay hai nước sẽ bắt đầu thảo luận về Biên bản ghi nhớ quan hệ hợp tác với mục tiêu sẽ ký kết vào đầu năm 2022.

Ngày 12/13, Cơ quan Phát triển đầu tư Malaysia (MIDA) đã tiết lộ tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới Intel có kế hoạch xây dựng các cơ sở đóng gói và thử nghiệm chất dẫn mới tại hai bang miền Bắc, gồm Khu Công nghiệp tự do Bayan Lepas, bang Bắc Penang và Công viên công nghệ cao Kulim, bang Perak. Dự án trị giá 30 tỷ RM (7,1 tỷ USD) được dự báo sẽ tạo ra trên 5.000 việc làm liên quan tới xây dựng và hơn 4.000 việc làm trong các cơ sở của Intel tại Malaysia.

Trong tuyên bố vào hai ngày sau đó, ông Azmin Ali đã nhấn mạnh dự án này giúp thúc đẩy Khát vọng Đầu tư Quốc gia (NIA), nhằm đảm bảo Malaysia luôn dẫn đầu với tư cách là một trung tâm toàn cầu đầu tư chất lượng đồng thời tạo ra việc làm có giá trị cao.

Theo Bộ trưởng MITI, trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 12, điện và điện tử đã được xác định nằm trong những ngành công nghiệp có ảnh hưởng lớn, đóng vai trò then chốt để điều chỉnh lại tăng trưởng của Malaysia theo hướng bền vững trong khi giúp nâng cao vị thế của đất nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông cũng cho hay Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu cho ngành công nghiệp này phát triển chuỗi giá trị thông qua việc áp dụng mạnh mẽ hơn các công nghệ tiên tiến phù hợp với chiến lược tăng trưởng toàn cầu của Intel.

Tuần trước, Intel và MIDA đã ký Biên bản ghi nhớ giữa hai bên. Theo Phòng Thương mại Mỹ-Malaysia, thỏa thuận này giúp tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho ngành điện và điện tử của Malaysia, gồm phát triển nguồn nhân lực cho lực lượng lao động trong tương lai, hợp tác nghiên cứu và phát triển, mở rộng nguồn cung ứng địa phương, thúc đẩy việc áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 (IR 4.0) bởi những người chơi trong hệ sinh thái điện và điện tử cùng việc triển khai chương trình kỹ thuật số của Intel.

Intel thành lập cơ sở sản xuất ở nước ngoài đầu tiên tại Penang vào năm 1972. Hiện có hơn 13.000 lao động làm việc tại các cơ sở của Intel tại Malaysia và quốc gia Đông Nam Á cũng là địa điểm vận hành thử nghiệm và đóng gói lớn nhất của hãng.

Với khoảng 12% sản lượng đóng gói và kiểm tra chất bán dẫn toàn cầu, chỉ thấp hơn so với Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Trung Quốc Đại lục, Malaysia là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của lĩnh vực này.

Ngoài Intel, có rất nhiều nhà sản xuất chất bán dẫn đang đầu tư, kinh doanh tại Malaysia. Theo số liệu từ MIDA, trong 6 tháng qua, một danh sách dài các công ty công nghệ cao đã công bố các khoản đầu tư mới vào quốc gia Đông Nam Á này.

Nhà sản xuất chất bán dẫn Hà Lan Nexperia đang xây dựng các nhà máy mới hoàn toàn tự động theo tiêu chuẩn IR 4.0 nhằm thúc đẩy tăng trưởng đối với các sản phẩm năng lượng thiết yếu liên quan tới thiết bị bán dẫn cho ngành công nghiệp ô tô. Tập đoàn Infineon, Đức chuyển sản xuất chất dẻo silicon carbide (cacbua silic) và Gallium Nitride sang Khu công nghệ cao Kulim, Kedah và mở rộng cơ sở sản xuất tại Malaysia. Tập đoàn AT&S của Áo cũng đang xây dựng cơ sở sản xuất chất nền mạch tích hợp (IC) mới.

Trong khi hãng sản xuất linh kiện điện tử Nhật Bản Taiyo Yuden đang xây dựng thêm nhiều cơ sở để mở rộng sản xuất tụ điện gốm nhiều lớp thì tập đoàn Applied Engineering, Mỹ lại thành lập các liên doanh cung cấp các dịch vụ sản xuất theo hợp đồng cơ điện công nghệ cao, từ tạo mẫu đến sản xuất số lượng lớn phục vụ cho các nhu cầu cụ thể của khách hàng trong sản xuất thiết bị bán dẫn, khoa học đời sống và thiết bị y tế, phân khúc thị trường quốc phòng và hàng không cả ở Malaysia và các nước ASEAN, Trung Quốc.

Ngoài ra, hãng xe Mercedes-Benz đã chọn Malaysia làm trung tâm hậu cần khu vực châu Á-Thái Bình Dương của mình, các công ty hóa chất Đức BASF và H&R đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất và tập đoàn Turkish Aerospace cũng mở một văn phòng mới để thực hiện các nghiên cứu chung trong nhiều lĩnh vực trong đó có máy bay không người lái, đào tạo về máy bay phản lực, các dự án liên quan tới máy bay trực thăng và các chương trình hiện đại hóa cho hệ sinh thái hàng không toàn cầu.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh tại Malaysia vào đầu năm 2021 và biến thể Omicron có thể sẽ gây ra hậu quả tương tự trong khi lũ lụt nghiêm trọng tại 8 trên 11 bang trên bán đảo Mã Lai, dường như không có bất kỳ vấn đề kỹ thuật hoặc liên quan tới tổ chức nghiêm trọng nào ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của quốc gia Đông Nam Á này.

Ngược lại, Malaysia vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngay sau đại dịch, đặc biệt trong lĩnh vực đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn như một giải pháp thay thế khả thi cho Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Nguồn: Bnews

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: