Điểm tin

Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN: Sợ 'người tài xuất ngoại'!

31 tháng 10. 2016

Sợ người tài xuất ngoại

Ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã chính thức được thành lập đã tạo nên một thị trường đơn nhất với năm yếu tố được lưu chuyển tự do giữa 10 nước thành viên bao gồm vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề.

Sự dịch chuyển tự do được đánh giá vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động các nước ASEAN vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh lao động trong và ngoài nước.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, có một thực tế là Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi hội nhập không chỉ về hàng hóa mà còn sẽ còn là những cuộc cạnh tranh về dịch vụ, đầu tư, sự di chuyển của nguồn lao động có ký năng trong khối các nước ASEAN.

Vị chuyên gia kinh tế thừa nhận, các doanh nghiệp của các nước ASEAN có bề dày, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý kinh doanh tốt hơn, công nghệ cao hơn và đăc biệt họ có sự chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập. Việt Nam ít kinh nghiệm, sự sẵn sàng cho hội nhập chưa cao, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải cố gắng vượt qua khó khăn thách thức do bất ổn Kinh tế Việt Nam.

Việt Nam đối mặt với nỗi lo 'chảy máu chất xám' khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng, AEC thực sự là một cơ hội vàng cho những người tài tìm được những việc làm phù hợp sở trường và có điều kiện cũng như thu nhập thỏa đáng, đồng thời doanh nghiệp cũng tiếp cận được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhưng các lao động luôn có xu hướng tìm tới những thị trường màu mỡ hơn. Mà hiện tại, các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan… đang được coi là những mảnh đất hứa trong thị trường lao động khu vực. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ hình thành những dòng chảy lao động có tay nghề và chất lượng đổ dồn về những thị trường tiềm năng.

Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh là sự di chuyển lao động chất lượng. Lao động có kỹ năng tự do di chuyển có thể dẫn đến chảy máu chất xám. Theo thống kê, có khoảng 20% lao động Việt Nam có kỹ năng chuyên môn, như vậy có nghĩa khi lao động được tự do di chuyển, lao động có kỹ năng của Việt Nam có khả năng đi ra bên ngoài vì được trả lương cao, hoặc hướng tới các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngay tại Việt Nam, hoặc lao động có kỹ năng của nước ngoài sẽ thâm nhập vào các vị trí của Việt Nam.

Nhưng các chuyên gia còn lo lắng rằng, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đối mặt với xu thế “người tài xuất ngoại” hoặc “đầu quân cho nước ngoài” mà Việt Nam sẽ trở thành bãi đáp của lao động nước ngoài chất lượng kém khi chúng ta thiếu lao động, chính sách quản lý chưa chặt chẽ.

Giải pháp nào?

Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế, để hạn chế nguy cơ Việt Nam trở thành bến đậu của lao động trình độ thấp, lao động phổ thông… cần thiết phải bổ sung và thực thi các chính sách về quản lý lao động nước ngoài cũng như chất lượng nhân lực, tăng cường vai trò quản lý và phân định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc rà soát, theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp cứng, còn để đảm bảo mục tiêu cạnh tranh và phát triển bền vững, đòi hỏi phải phát triển đồng bộ về hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, thực hiện tốt các chính sách về tiền lương... để thực sự ngăn chặn chảy máu chất xám, đồng thời trải thảm thu hút nhân tài, chuyên gia nước ngoài.

Bên cạnh đó, để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực là rất quan trọng. để có nhân lực chất lượng cao, trước hết cần có sự kết hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, Hiệp hội, để nắm bắt được nhu cầu, qua đó đào tạo chuẩn xác lao động có kỹ năng cao với ngành nghề đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đặc biệt cần hướng tới đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế.

"Các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp Việt Nam cần có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường tốt giúp họ phát huy năng lực, qua đó tránh chảy máu chất xám", vị chuyên gia nhìn nhận.
Nguồn: Doanhnghiepvn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: