Điểm tin

Thái Lan: Lo ngại tác động của căng thẳng Nga-Ukraine đối với tăng trưởng kinh tế

05 tháng 03. 2022

Căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ giảm xuống mức 2,5% trong năm nay so với mục tiêu đặt ra trước đó là 3-4,5%.

Ủy ban hỗn hợp thường trực về thương mại, công nghiệp và ngân hàng (JSCCIB) lo ngại căng thẳng Nga-Ukraine sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ giảm xuống mức 2,5% trong năm nay so với mục tiêu đặt ra trước đó là 3-4,5%.

Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Supant Mongkolsuthree, người chủ trì cuộc họp của JSCCIB hôm 2/3, cho rằng Chính phủ nên xem xét tìm kiếm các khoản vay bổ sung ít nhất 1.000 tỷ baht (khoảng 30 tỷ USD) để đối phó với giá năng lượng tăng cao cũng như để kích thích nền kinh tế, vốn sẽ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Ông Supant nhận định căng thẳng Nga-Ukraine "nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến".

Chính phủ Thái Lan trước đó đã quyết định cắt giảm một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel, thường ở mức 5,99 baht/lít, trong 3 tháng sau khi Quỹ Nhiên liệu Dầu mỏ, vốn được sử dụng để trợ giá dầu diesel, bắt đầu xuống thấp. Điều này đã thúc đẩy Văn phòng Quỹ Nhiên liệu Dầu mỏ tìm kiếm thêm tiền. Văn phòng đã được các ngân hàng thương mại cho vay 20 tỷ baht và một khoản vay tạm thời 10 tỷ baht để hỗ trợ chương trình trợ cấp.

JSCCIB hiện đang theo dõi tác động của căng thẳng Nga-Ukraine đối với nền kinh tế toàn cầu và Thái Lan trong 3 tháng tới. Tác động đã khiến JSCCIB hạ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 xuống khoảng 2,5-4,5% (giảm từ 3-4,5%), với lạm phát dự kiến sẽ là 2-3%, tăng so với dự đoán trước đó là 1,5-2,5%. Ông Supant cho rằng giá dầu toàn cầu cao hơn sẽ làm tăng chi phí sản xuất, dẫn đến lạm phát cao hơn.

JSCCIB vẫn duy trì dự báo tăng trưởng xuất khẩu ở mức 3-5% trong năm nay do Nga và Ukraine không phải là thị trường lớn của các nhà xuất khẩu Thái Lan. Tuy nhiên, một cuộc xung đột kéo dài có thể giáng một đòn mạnh vào các đối tác thương mại lớn của Thái Lan như Liên minh châu Âu (EU), đồng thời làm chậm lại nền kinh tế toàn cầu.

Điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu của Thái Lan. Ông Supant nhận xét với việc chi phí ngày càng tăng do giá dầu đắt đỏ và giá cước vận chuyển cao hơn, các nhà sản xuất đã quyết định tăng giá một số sản phẩm.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Sanan Angubolkul, nếu giá dầu toàn cầu tăng vọt lên 120 USD/thùng, giá dầu bán lẻ ở Thái Lan sẽ tăng trung bình 6 baht/lít, gây thêm áp lực cho chi phí sản xuất. Ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng trong hoàn cảnh này.

Có tới 50% trong số 600.000 khách du lịch Nga dự kiến đến Thái Lan sẽ không đi trong thời gian ngắn hạn. Nhưng nhiều khách du lịch nước ngoài từ các quốc gia khác sẽ bù đắp cho tổn thất đó.

Kinh tế Thái Lan đã phục hồi trong quý IV/2021 nhờ xuất khẩu tăng và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được nới lỏng cho phép du lịch hoạt động trở lại.

Theo đó, kinh tế Thái Lan trong quý IV/2021 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020, cao gấp đôi so với dự báo và dánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ sau khi giảm 0,2% trong 3 tháng trước đó. Tính cả năm 2021, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 1,6%, cũng vượt dự báo.

Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc Thái Lan (NESDC) dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2022 trong khoảng 3,5-4,5%.

Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này đã giảm 6,1% trong năm 2020 do dịch COVID-19, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoàng kinh tế châu Á năm 1997.

Nguồn: Bnews

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: