Điểm tin

Tiềm năng phát triển kinh tế số của khu vực Đông Nam Á

20 tháng 04. 2022

Khu vực Đông Nam Á vẫn kiên trì với niềm tin rằng sự thịnh vượng kinh tế được củng cố bởi các dòng chảy tự do thương mại, đầu tư và con người.

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phục hồi của các nền kinh tế, với việc nhiều nước phải tái áp đặt các hạn chế đi lại, kéo theo những gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng cao. Hậu quả là tình trạng lạm phát trên diện rộng và ở mức cao hơn dự kiến.

Sự phục hồi chậm hơn dự kiến của tiêu dùng tư nhân cũng đã hạn chế triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 4,4% - giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong Triển vọng Kinh tế Thế giới hồi tháng 10/2021.

Tiếp đó là cuộc xung đột ở Ukraine đã gây bất ổn cho các thị trường năng lượng toàn cầu, đem lại sự không chắc chắn mới cho các dự báo về tăng trưởng. Và điều này sẽ còn tiếp diễn.

Trong bối cảnh đó, việc các chính phủ mong muốn tăng cường khả năng tự cung tự cấp, đi kèm với các chính sách ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, trong suốt hai năm qua là không quá đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, đó chưa phải là giải pháp tốt nhất. Giờ đây, hơn bao giờ hết, các quốc gia cần mở cửa trở lại và tăng cường hợp tác quốc tế.

Hợp tác kinh tế là yếu tố then chốt để thoát khỏi đại dịch một cách suôn sẻ nhất có thể. Giải pháp này cũng có thể giúp làm giảm những phí tổn dài hạn của đại dịch COVID-19 xuống mức thấp nhất và gia tăng tối đa lợi ích từ những nỗ lực nhằm xây dựng lại quốc gia tốt đẹp hơn.

Liên quan đến vấn đề này, Đông Nam Á là một câu chuyện thành công.

Các dòng chảy tự do

Khu vực Đông Nam Á vẫn kiên trì với niềm tin rằng sự thịnh vượng kinh tế được củng cố bởi các dòng chảy tự do thương mại, đầu tư và con người. Và với việc các chuỗi cung ứng đã “xoay trục” sang khu vực này, xu hướng hợp tác liên tục đã giúp khu vực này trở thành tâm điểm cho sự cởi mở và kết nối toàn cầu. Tuy nhiên, mọi thứ luôn có thể tốt hơn.

Các đợt phong tỏa mới nhất ở Trung Quốc đã làm gia tăng sự không chắc chắn – điều không bao giờ là tốt đẹp đối với các nền kinh tế đang phục hồi. Tuy nhiên, sự can dự của chính phủ có thể bù đắp cho điều này.

Ví dụ, vào đầu tháng Ba, một số chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc đã công bố kế hoạch tích cực nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được phê chuẩn, trong đó cung cấp cho các nước thành viên quyền tiếp cận phi thuế quan với 30% quy mô kinh tế thế giới. Các chính phủ Đông Nam Á có thể làm theo mô hình này.

Hơn nữa, những quy định về nguồn gốc xuất xứ của RCEP cho phép các thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cung cấp tới 60% (tính theo giá trị gia tăng) linh kiện hàng hóa từ các nền kinh tế không thuộc RCEP để bán miễn thuế trong nội bộ khối. Điều này đem lại cho các quốc gia nhiều dư địa để đa dạng hóa chuỗi cung ứng với các nước thứ ba nhằm phòng ngừa có hiệu quả tình trạng bất trắc.

Các nền kinh tế đang tìm cách kích thích tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu có thể tìm cách khơi thông dòng vốn, bao gồm cả cải cách về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Những ví dụ bao gồm sửa đổi các danh sách đầu tư tiêu cực, ưu đãi thuế cho một số lĩnh vực và các quy trình đẩy nhanh phê duyệt đầu tư. Nhiều trong số những thay đổi này đang được các cơ quan lập pháp của các quốc gia thảo luận, song vẫn cần động lực mạnh mẽ để những dự luật này được thông qua.

Đông Nam Á đã chứng kiến sự bùng nổ về kinh tế số trong hai năm qua mà không nơi nào trên thế giới sánh kịp. Theo báo cáo của Google, Bain và Temasek, chỉ riêng năm 2020, có 40 triệu người ở khu vực này lần đầu tiên tham gia mạng Internet và hiện trên toàn khu vực có 400 triệu người sử dụng Internet.

Đối với nhiều doanh nghiệp, hai năm qua là khoảng thời gian mà họ có thể áp dụng công nghệ và thực hiện các hoạt động trực tuyến nhanh nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều trong những sự thay đổi này cần được sửa chữa để tiếp tục tồn tại.

Những sự thay đổi này cần được củng cố khi cơ sở dữ liệu người tiêu dùng của Đông Nam Á chuyển dịch cơ cấu sang trực tuyến. Các doanh nghiệp không thể làm việc đó một mình.

Thay đổi đưa đến thay đổi

Từ góc độ chính sách, việc cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trong đó có đẩy nhanh tốc độ thanh toán ngay lập tức cho các doanh nghiệp và làm hài hòa các tiêu chuẩn dữ liệu, sẽ mang lại sự tự tin và công khai minh bạch hơn cho người mua hàng và nhà cung cấp.

Với giá trị thanh toán toàn cầu dự kiến đạt 156.000 tỷ USD trong năm nay, thanh toán xuyên biên giới là khớp nối quan trọng của sự kết nối toàn cầu. Điều này đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế số có vai trò nổi bật hơn.

Sự kết nối thành công của các hệ thống thanh toán thời gian thực của Singapore và Thái Lan hồi năm 2021 đánh dấu không chỉ sự liên kết thanh toán xuyên biên giới đầu tiên trên thế giới, mà còn là cột mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa tiềm năng của nền kinh tế số Đông Nam Á. Điều này cũng cho thấy sức mạnh của cách tiếp cận theo cụm từ dưới lên trong việc tạo ra các khuôn khổ hữu hình.

Những ví dụ như thế này tạo điều kiện cho sự tham gia rộng rãi hơn của cả lĩnh vực dịch vụ tài chính lẫn các thị trường khác của Đông Nam Á, với mục tiêu cuối cùng là đem lại một mô hình khu vực thực sự. Bằng việc cho phép cả doanh nghiệp và người tiêu dùng giao dịch xuyên biên giới, Đông Nam Á đang trên đà gặt hái được tiềm năng khổng lồ của nền kinh tế số khu vực.

Con đường phía trước

Chính loại hình hợp tác này đã hỗ trợ và bổ sung cho hành động của các chính phủ theo hai cách. Thứ nhất, việc phối hợp và chọn thời điểm cho các biện pháp mang tầm cỡ quốc gia đã làm gia tăng những tác động tích cực. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin đối với các thị trường tài chính và giữa các nhà đầu tư.

Thứ hai, việc chia sẻ thông tin và tổng hợp các nguồn lực cho phép cộng đồng quốc tế tìm ra các giải pháp chung cho các vấn đề toàn cầu – đó là điều mà khuôn khổ thanh toán thời gian thực của Thái Lan, Singapore đã cho thấy rõ. Việc cung cấp mô hình này dễ dàng hơn là chỉ đơn giản dựa vào các biện pháp thị trường.

Có thể nói, khu vực Đông Nam Á đã luôn ở trong trạng thái thay đổi trong ba năm qua do những thay đổi địa chính trị và dịch bệnh. Thay đổi đưa đến thay đổi. ASEAN đã sử dụng động lực đó để tiến về phía trước và sẽ có ý nghĩa hơn nếu khu vực cùng tiến bước với tư cách là một cộng đồng quốc tế, thay vì là một thị trường duy nhất./.

Nguồn: Bnews

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: