Văn Kiện Khác

Hợp tác năng lượng trong ASEAN

21 tháng 12. 2016

Hợp tác năng lượng trong ASEAN diễn ra trên cơ sở Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC). Đây là khuôn khổ chung cho các sáng kiến củng cố an ninh năng lượng, tăng cường tiếp cận và đảm bảo sự bền vững của các nguồn năng lượng trong khu vực.

ASEAN đã phối hợp thành công trong việc thực hiện các dự án nổi bật là Mạng lưới điện ASEAN và Hệ thống kết nối đường ống khí đốt. Dù gặp nhiều thách thức về phạm vi và mức độ phức tạp của các dự án này, tới nay ASEAN đã triển khai được 6 trong tổng cộng 16 dự án kết nối điện và 12 đường ống dẫn khí đốt song phương kéo dài 3.377km. ASEAN cũng đã phối hợp triển khai các sáng kiến về nâng cao hiệu quả năng lượng (EE), năng lượng tái tạo (RE) và nhiệt điện sạch.

Thông qua các sáng kiến như Giải thưởng năng lượng ASEAN, chương trình kiểm toán năng lượng, xây dựng năng lực để thực hiện các tiêu chuẩn và dán nhãn năng lượng, phát triển năng lượng mặt trời, ASEAN nâng cao diện phủ năng lượng trong khu vực và gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng phát năng lượng.

Ý nghĩa đối với doanh nghiệp

Nguồn năng lượng được đa dạng hóa và đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực. Các dự án được triển khai không những chỉ là các cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp chuyên ngành và doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ liên quan mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác có điều kiện tiếp cận năng lượng ổn định, tin cậy.

Các lĩnh vực tiềm năng cho doanh nghiệp

Nhiệt điện than sạch: Nhiệt điện than tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nguồn phát điện của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Khu vực tư nhân có thể tham gia xây dựng năng lực và đưa ra các giải pháp sáng tạo vận dụng công nghệ than sạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng.

Năng lượng hiệu quả: Khu vực tư nhân có thể tham gia cung cấp các giải pháp sáng tạo và tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, bao gồm các giải pháp, dịch vụ về quản lý năng lượng và tài trợ vốn cho việc chuyển đổi sử dụng năng lượng hiệu quả.

Năng lượng mặt trời, điện hóa nông thôn và năng lượng sinh khối: Đây là các lĩnh vực tiềm năng cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Ngành năng lượng đòi hỏi sự phát triển các nguồn phát điện này và năng lực phân phối, truyền tải liên quan để nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng phát và tiêu thụ năng lượng.           

Nguồn: Cẩm nang “Cộng đồng Kinh tế ASEAN – Kế quả hội nhập và Cơ hội cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam” do Dự án EU-Mutrap phối hợp Bộ Công Thương thực hiện

Tham khảo thêm thông tin tại: http://www.aseanenergy.org/

ASEAN Plan of Action for Energy Cooperation (APAEC) 2016-2025

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: