Văn Kiện Khác

Hợp tác về Sở hữu trí tuệ trong ASEAN

22 tháng 12. 2016

Sở hữu trí tuệ (IP) là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm phát huy tới mức cao nhất tiềm năng thương mại của sáng tạo, qua đó thúc đẩy sự sáng tạo để tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Với nhận thức đó, ASEAN đã thành lập Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu Trí tuệ (AWGIPC) rất sớm, từ năm 1996 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác về cải thiện hạ tầng và cơ chế liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Các sáng kiến và hành động của AWGIPC

Hợp tác Kiểm tra Bằng sáng chế (ASPEC): ASPEC là nền tảng khu vực đầu tiên về phối hợp công tác sở hữu trí tuệ giữa các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên ASEAN. ASPEC cho phép chia sẻ kết quả tìm kiếm và kiểm tra nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác cấp bằng sáng chế.

Cổng thông tin Sở hữu Trí tuệ của ASEAN - https://www.aseanip.org/

Cổng thông tin Sở hữu Trí tuệ ASEAN là một nền tảng cung cấp thông tin và dịch vụ về sở hữu trí tuệ của khu vực. Cổng thông tin này có các công cụ như Tra cứu Thương hiệu ASEAN (ASEAN Tmview), là một cơ sở dữ liệu có hơn 2,5 triệu nhãn hiệu, công cụ thống kê, nghiên cứu về việc vận dụng hiệu quả sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu vụ việc pháp lý và các công cụ hữu ích khác sẽ được bổ sung trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam (và Myanmar) chưa tham gia ASEANTMview.

Gia nhập các hiệp định của WIPO: Tới nay, 8/10 nước thành viên ASEAN đã là thành viên của Hiệp định của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về bằng sáng chế (Hiệp định hợp tác bằng sáng chế), 4/10 là thành viên của Hiệp định về nhãn hiệu (Nghị định thư Madrid) và 5 nước sẽ gia nhập trong thời gian tới. Về kiểu dáng công nghiệp, 2/10 là thành viên của Hiệp định Hague. Các hiệp định này cho phép doanh nghiệp của bất cứ một nước nào tham gia hiệp định được đề nghị các nước khác cũng tham gia hiệp định cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Lập nhóm đặc trách: ASEAN có các nhóm đặc trách để xem xét các vấn đề liên quan đến bằng sáng chế, nhãn hiệu hay việc thực thi bảo hộ.

Ý nghĩa đối với doanh nghiệp

Giúp làm giảm đáng kể chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp trong quá trình nộp hồ sơ cấp văn bằng bảo hộ. » Giúp doanh nghiệp nhanh chóng nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng và quen thuộc với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trong khu vực. » Cung cấp thông tin và các dịch vụ miễn phí cho doanh nghiệp tại Cổng thông tin Sở hữu Trí tuệ. » Cung cấp tiếp cận trực tuyến cho doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nhiều nước thành viên trong khu vực.

Nguồn: Cẩm nang “Cộng đồng Kinh tế ASEAN – Kế quả hội nhập và Cơ hội cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam” do Dự án EU-Mutrap phối hợp Bộ Công Thương thực hiện

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: