Điểm tin

Cách nào để hàng Việt chinh phục thị trường ASEAN hiệu quả hơn?

26 tháng 09. 2022

ASEAN là thị trường tiềm năng với hơn 650 triệu dân, khả năng hấp thụ hàng hóa tốt, điều kiện địa lý thuận lợi giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển, thế nhưng việc khai thác thị trường này của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thời gian qua lại chưa hiệu quả. Vấn đề của điều này nằm ở đâu và DN cần làm gì để khai thác tốt hơn thị trường lớn ở ngay gần kề này?

Lép vế trước hàng Thái Lan, Indonesia

Thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các nước ASEAN đạt 23,5 tỷ USD, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu trên 32 tỷ USD hàng hóa các loại từ khối ASEAN, với mức tăng trưởng gần 16%. Như vậy, thâm hụt thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN đang ở mức khoảng 8,5 tỷ USD.

Chuyên gia Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tinh hoa quản trị, Chủ tịch Group Quản lý doanh nghiệp:

Tại thị trường Việt Nam, các DN ASEAN cũng chỉ bán những sản phẩm mà DN nội địa đã làm được. Điểm khác biệt ở chỗ các DN này làm thị trường tốt hơn, có chất lượng sản phẩm tốt và ổn định hơn, giá thành cạnh tranh hơn…

Nhìn vào số liệu xuất nhập khẩu với từng quốc gia trong ASEAN, ngoại trừ Philippines, Campuchia và Myanmar, 6 nước còn lại đều xuất siêu vào Việt Nam. Trong đó, Thái Lan dẫn đầu với mức thâm hụt hơn 4,5 tỷ USD, Indonesia 3,2 tỷ USD, Malaysia 2,2 tỷ USD…

Ghi nhận trên thực tế, nhiều mặt hàng tiêu dùng của Thái Lan, Indonesia, Malaysia hiện diện khá phổ biến ở hầu khắp các kênh phân phối tại thị trường Việt Nam, từ chợ truyền thống, các siêu thị đến các trang thương mại điện tử… Nổi bật là các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm đóng gói, hóa mỹ phẩm… Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, chỉ riêng mặt hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, Việt Nam đã nhập khẩu trị giá kim ngạch 77 triệu USD từ Indonesia, 47 triệu USD từ Thái Lan, 33 triệu USD từ Malaysia… Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng tương tự sang các nước này chỉ ở mức trên dưới 10 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều đối với các mặt hàng là nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp như hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may da giày, xăng dầu…

Trả lời cho câu hỏi tại sao hàng hóa ASEAN vào Việt Nam rất nhiều, nhưng hàng Việt Nam vào các nước ASEAN khác lại rất thấp, chuyên gia quản trị DN Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tinh hoa quản trị, Chủ tịch Group Quản lý doanh nghiệp cho biết, DN Việt Nam đang thiếu một chiến lược hiệu quả để khai thác thị trường này.

Mục tiêu trong tầm tay

Trong thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng khi thâm nhập thành công vào nhiều thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu… với kim ngạch ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, diễn biến tăng mạnh của giá dầu dưới tác động của chiến tranh Nga – Ukraine, tình hình hậu Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình xuất khẩu sang các thị trường này.

Chuyên gia Đỗ Hòa phân tích, khoảng cách từ Việt Nam và Trung Mỹ đến châu Âu chênh nhau 10 ngày. Việc giá dầu tăng khiến chi phí vận tải từ Việt Nam sang châu Âu trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều so với các nước Trung Mỹ, do đó, các loại nông sản của Việt Nam cũng kém cạnh tranh hơn ở thị trường châu Âu. Giá dầu cao cũng khuyến khích các nông dân châu Mỹ sản xuất những loại trái cây nhiệt đới lâu nay phải nhập từ châu Á. “Nhiều DN châu Âu chấp nhận mua hàng từ châu Mỹ dù có giá cao hơn, nhưng chi phí vận chuyển rẻ hơn và thời gian vận chuyển nhanh hơn” – chuyên gia Đỗ Hòa chia sẻ.

Trước những biến động của thị trường như trên, các chuyên gia chỉ ra rằng các DN cần có phương án khai thác thị trường ASEAN thay thế những thị trường xa và bất ổn do giá nhiên liệu cao. Đặc biệt, với Hiệp định RCEP có hiệu lực từ đầu năm 2022 tiếp tục mở rộng cánh cửa cho hàng Việt tại ASEAN.

Nhận định về thực tế hàng hóa của một số nước ASEAN chiếm thị phần ngày càng lớn tại thị trường Việt Nam, chuyên gia Đỗ Hòa chỉ ra rằng, tại thị trường Việt Nam, các DN ASEAN cũng chỉ bán những sản phẩm mà DN nội địa đã làm được. Điểm khác biệt ở chỗ các DN này làm thị trường tốt hơn, có chất lượng sản phẩm tốt và ổn định hơn, giá thành cạnh tranh hơn… Điều này có nghĩa là nếu DN Việt Nam muốn bán hàng vào các thị trường Thái Lan, Indonesia… thì cũng phải làm tốt những việc này. “Các DN cần đẩy mạnh marketing, phát triển kênh phân phối, nâng cao kỹ năng bán hàng, nâng cao năng lực quản lý để có chất lượng sản phẩm ổn định, đồng thời có chiến lược thu mua để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định với giá cạnh tranh. Những điều này không hề quá khó và các DN Việt Nam hoàn toàn có thể làm được” – chuyên gia Đỗ Hòa nhấn mạnh.

Nói rõ hơn về vấn đề này, chuyên gia Đỗ Hòa cho rằng các DN không nhất thiết phải thay đổi toàn bộ chiến lược của công ty mà chỉ cần tối ưu hóa những gì đang làm, học cái mới, áp dụng cái mới. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất cũng cần được xem xét, đánh giá và có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. “5 năm trước giá cả ổn định, nên có khi cả năm mới phải đánh giá lại một lần, nhưng hiện nay thị trường biến động hàng ngày, nếu chúng ta vẫn giữ theo quy trình cũ thì sẽ bị lạc hậu. Ngay như khâu thu mua nguyên liệu, nhiều DN mua nguyên liệu đầu vào đắt 10-15% mà không hề biết. Do đó, cần phải đánh giá lại các khâu để tiết giảm các khâu không còn phù hợp, qua đó tiết kiệm chi phí”, ông Hòa nói.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để bán được hàng vào ASEAN, các DN cần làm những sản phẩm có chất lượng tốt và thuần túy của Việt Nam. Bởi nếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về gia công, chế biến những sản phẩm tương tự các nước thì DN Việt không thể cạnh tranh được về chi phí bởi Trung Quốc luôn là nước làm tốt nhất việc này. Nhưng nếu làm những sản phẩm đặc thù của Việt Nam thì khách hàng không thể so sánh giá với nước nào khác, thậm chí họ còn sẵn sàng trả mức giá cao hơn nếu biết rằng đó là sản phẩm tốt nhất của Việt Nam.

Về phía cơ quan quản lý, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, các bộ, ngành cần trợ giúp doanh nghiệp để chuyển sang kinh tế số, năng động thích nghi với biến động trong và ngoài nước. Dưới tác động của dịch Covid-19, kinh tế số hóa đã không chỉ còn là phong trào mà đã trở thành xu hướng tất yếu.

Nguồn: Tạp chí Hải Quan

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: