Bộ Đầu tư Indonesia cho biết tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trong quý 1 năm 2023 đạt 177.000 tỷ rupiah (khoảng 11,96 tỷ USD), tăng 43,3% so với quý trước đó.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý 1 năm 2023 vào Indonesia đã tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó luyện kim là lĩnh vực tiếp nhận nhiều nhất giữa bối cảnh chính phủ nước này thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn.
Số liệu thống kê của Bộ Đầu tư Indonesia cho thấy tổng vốn FDI trong ba tháng năm nay (ngoại trừ đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng và dầu khí) đã đạt 177.000 tỷ rupiah, tương đương với khoảng 11,96 tỷ USD theo tỷ giá quy đổi chính thức. Con số này tăng 43,3% so với quý 4 năm 2022.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia cho biết: “Vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực kim loại trong quý 1 cho thấy chính sách nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nguồn tài nguyên thiên nhiên đã có tác động tích cực.”
Indonesia dự kiến sẽ cấm xuất khẩu các khoáng sản thô như đồng và bauxite từ tháng Sáu tới, như một phần trong nỗ lực thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn khoáng sản và tăng giá trị xuất khẩu.
Cũng theo số liệu của Bộ Đầu tư, Singapore, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đứng đầu trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Indonesia với mức FDI lần lượt là 4,3 tỷ USD, 1,5 tỷ USD, và 1,2 tỷ USD.
Năm 2024, quốc gia Đông Nam Á này đặt mục tiêu thu hút 1,4 triệu tỷ rupiah (95,5 tỷ USD) vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Bahlil cho hay để đạt được mục tiêu trên nước này cần vượt qua nhiều thách thức, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu và đảm bảo ổn định chính trị trước cuộc bầu cử vào đầu năm tới để bầu ra Tổng thống và Quốc hội mới.
Ông Bahlil cũng cho biết thêm, Indonesia sẽ tiếp tục tập trung thu hút đầu tư trong ba quý tới vào ngành công nghiệp chế biến, trong đó có chế biến khoáng sản. Đây là một phần trong tham vọng trở thành một trong năm quốc gia đứng đầu thế giới về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia.
Ông Bahlil khẳng định rằng Indonesia cũng sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Australia trong việc phát triển hệ sinh thái pin dành cho xe điện, do Canberra có nguồn lithium dồi dào, một trong những nguyên liệu chính được sử dụng để sản xuất loại pin này./.
Nguồn: VietnamPlus
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: