Việc liên kết thanh toán bằng mã QR cho phép người dân hai nước thực hiện thanh toán bán lẻ theo thời gian thực bằng cách quét mã QR tại các cửa hàng hoặc các gian hàng trực tuyến.
Ngày 8/5, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) và Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã chính thức công bố liên kết thanh toán xuyên biên giới bằng mã phản hồi nhanh (QR) sau khi hoàn tất giai đoạn thử nghiệm từ ngày 27/1/2022.
Theo BI, ngày càng nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính của hai nước tham gia liên kết thanh toán bằng mã QR.
Điều này cho phép người dân hai nước thực hiện thanh toán bán lẻ theo thời gian thực bằng cách quét mã QR tiêu chuẩn Indonesia (QRIS) hoặc mã QR DuitNow tại các cửa hàng vật lý hoặc các gian hàng trực tuyến sử dụng dịch vụ do các tổ chức tài chính tham gia cung cấp.
Trong một thông cáo chung, Thống đốc BI, ông Perry Warjiyo, nhấn mạnh: “Liên kết thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR giữa Indonesia và Malaysia là bằng chứng cụ thể về sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kết nối thanh toán khu vực, giúp thúc đẩy các giao dịch xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch hơn và bao trùm hơn, đặc biệt là vì lợi ích của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.”
Theo ông Perry, sự liên kết này phù hợp với sáng kiến của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong việc thiết lập Lộ trình thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới và là một trong những ưu tiên của Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023, đồng thời là một cột mốc quan trọng khác trong Kế hoạch tổng thể xây dựng hệ thống thanh toán Indonesia đến năm 2025.
Cũng theo ông Perry, liên kết thanh toán cũng cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người dùng trong các giao dịch thanh toán xuyên biên giới và là chìa khóa để nâng cao hiệu quả, thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số và tài chính bao trùm trong khu vực, cũng như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách thúc đẩy sử dụng rộng rãi các đồng nội tệ trong các giao dịch song phương theo Khung giao dịch nội tệ.
Về phần mình, Thống đốc BNM, bà Nor Shamsiah Mohd Yunus khẳng định: “ASEAN hiện đang kết nối hơn bao giờ hết. Nhiều người dùng hơn từ Malaysia và Indonesia sẽ được hưởng lợi từ trải nghiệm an toàn, liền mạch hơn và hiệu quả hơn để thực hiện và nhận các khoản thanh toán xuyên biên giới. Đổi lại, điều này có tiềm năng đáng kể để thúc đẩy các hoạt động kinh tế, trong đó có chi tiêu du lịch ở hai nước."
Bà Shamsiah cho rằng liên kết thanh toán cũng sẽ giúp mở rộng thị trường cho một số doanh nghiệp và tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán bằng nội tệ, từ đó cải thiện kết quả tài chính.
Ngoài ra, liên kết thanh toán bằng mã QR giữa Malaysia và Indonesia sẽ bổ sung cho mạng lưới liên kết thanh toán song phương đang phát triển trong ASEAN, hướng tới một ASEAN sôi động hơn và phát triển hơn nữa với tư cách là một trung tâm tăng trưởng.
Thông cáo chung của BI và BNN nhấn mạnh rằng liên kết thanh toán bằng mã QR sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế bền chặt giữa Indonesia và Malaysia, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch bao trùm hơn và mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh du lịch quốc tế đang phát triển, liên kết thanh toán sẽ không chỉ mang đến cho du khách sự tiện lợi mà còn mang lại lợi ích cho ngành du lịch và bán lẻ của cả hai nền kinh tế./.
Nguồn: VietnamPlus
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: