Điểm tin

Báo Trung Quốc: Bắc Kinh gặp khó khi gia nhập CPTTP vì Australia

25 tháng 05. 2023

Theo tờ báo South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc đã không nhận được sự ủng hộ công khai từ phía Australia để gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong chuyến thăm cấp cao gần đây của Bộ trưởng Thương mại Australia tới Bắc Kinh....

“Bắc Kinh muốn có sự cam kết từ Australia, mà tốt nhất là một cam kết công khai rằng Canberra sẽ ủng hộ Trung Quốc trong việc gia nhập CPTPP và từ chối cho Đài Loan gia nhập, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Don Farrell tới Bắc Kinh hồi đầu tháng 5”, các nguồn tin ở phía Australia của SCMP cho biết.

Cũng theo nguồn tin, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP là một nội dung chính trên bàn đàm phán giữa Bắc Kinh và Canberra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa hai bên đang có dấu hiệu “tan băng”. Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho biết “Chính phủ Australia sẽ không thể công khai ủng hộ việc gia nhập hiệp định của Trung Quốc khi các biện pháp trừng phạt (của Trung Quốc đối với Australia) vẫn đang được áp dụng”.

“Australia không phản đối việc Trung Quốc gia nhập CPTPP nhưng việc này phải được thực hiện trên cơ sở Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định hay không”, một trong các ngồn tin cho biết thêm. “Ông Farrell đã nói với phía Trung Quốc rằng Australia không ủng hộ Đài Loan gia nhập hiệp định”.

Năm ngoái, Thủ tướng Australia Anthony Albanese từng cho biết Canberra nhiều khả năng sẽ không ủng hộ Đài Loan gia nhập CPTPP.

Trước đó, vào tháng 9/2021, Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập hiệp định, động thái diễn ra không lâu sau đơn xin gia nhập của Đài Loan.

Tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump, CPTPP hiện có 12 thành viên gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Brunei, Singapore, Malaysia, Vietnam, Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Trong đó, Anh đạt được thỏa thuận gia nhập hiệp định hồi tháng 3 và dự kiến chính thức ký kết trở thành thành viên của CPTPP vào tháng 7 tới. Với việc có thêm Anh là thành viên, tổng GDP của các nước thành viên CPTPP chiếm tỷ trọng 15% GDP toàn cầu, tăng từ 12% hiện tại. Để gia nhập CPTPP, thành viên mới cần phải được tất cả các thành viên hiện tại chấp nhận.

Theo ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hinrich, việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP mang nặng tính chính trị.

“Các thành viên của hiệp định đều hiểu rõ vị thế trung tâm về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, nhưng nhiều nước quan ngại về những động thái ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh”, ông nói thêm.

Theo lý giải của vị chuyên gia, về mặt thương mại, các thành viên CPTPP đặt câu hỏi về mức độ mà tuân thủ các nghĩa vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Bắc Kinh, đồng thời lo ngại rằng nước này liệu có tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tiêu chuẩn cao của hiệp định hay không.

“Rất khó tưởng tượng một kịch bản rằng các nước thành viên có thể đưa ra phản ứng rõ ràng và dứt khoát đối với đơn xin gia nhập hiệp định của Trung Quốc trong ngắn hạn”, ông Olson nói. “Với sự phức tạp trong cả vấn đề địa chính trị và thương mại, việc trì hoãn phản ứng với đơn xin gia nhập này có lẽ là cách làm khôn ngoan nhất của các nước thành viên hiện tại”.

Hôm 16/5, Bộ trưởng Thương mại Australia cho biết sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông, bông và đồng của Australia đã được trở lại thị trường Trung Quốc. Cả hai bên đang tiếp tục làm việc để giải quyết tranh chấp liên quan tới lúa mạch và rượu vang.

Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận trong Chính phủ Australia cho biết “không có tiến triển nào về mặt hàng rượu vang” bởi Trung Quốc vẫn không hài lòng về các quy định đầu tư của Australia, bao gồm lệnh cấm với Huawei, các công ty viễn thông và từ chối các khoản đầu tư…

Theo ông Zhou Weihuan, phó giáo sư luật tại Đại học New South Wales, để tiếp cận một cách cân bằng, các nhà chức trách Australia phải đánh giá các rủi ro an ninh tiềm ẩn một cách khách quan và công bằng, đồng thời không đưa ra các quyết định được cho là quá định kiến chống lại Trung Quốc hoặc Chính phủ Trung Quốc.

“Các nhà chức trách Australia cũng nên xem xét liệu khoản đầu tư của Bắc Kinh có thể được phê duyệt dựa trên các điều kiện giúp giải quyết thỏa đáng những lo ngại về an ninh hay không, để không phải từ chối”, ông Zhou nói.

Nguồn: VnEconomy

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: