Trong những năm gần đây, một cuộc khủng hoảng nợ đang nhen nhóm ở Lào, làm dấy lên các lo ngại về khả năng đáp ứng nghĩa vụ của quốc gia nhỏ bé đối với chủ nợ lớn nhất: Trung Quốc.
Cuối năm 2013, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Lào và kể từ đó, ảnh hưởng của Bắc Kinh ở nước láng giềng phương nam ngày càng tăng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính nợ công của Lào tăng lên khoảng 122% GDP trong năm nay, với phần là tiền vay từ Bắc Kinh liên quan các thỏa thuận phát triển hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Lào đã vay hàng tỉ đô la từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án đường sắt, đường cao tốc và đập thủy điện, khiến dự trữ ngoại hối của nước này cạn kiệt trong quá trình này.
Dự trữ ngoại hối giảm mạnh, kết hợp với giá lương thực và nhiên liệu ngày càng tăng trên toàn cầu và cuộc khủng hoảng tiền tệ (đồng kip của Lào mất giá đến mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ), đẩy lạm phát ở Lào tăng vọt. Trong tháng 9, lạm phát ở Lào tăng 25,7%, vẫn còn ở mức cao, dù đó là mức tăng thấp nhất trong 12 tháng qua. Các nhà phân tích lo ngại, Lào có thể đang trên bờ vực sụp đổ kinh tế nếu cuộc khủng hoảng hiện nay vượt khỏi tầm kiểm soát.
Để ứng phó, chính phủ Lào thực hiện một số biện pháp ổn định, bao gồm tăng lãi suất, phát hành trái phiếu và làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về các biện pháp quản lý nợ. Lào cũng làm giảm chi tiêu cho các dịch vụ quan trọng như giáo dục và chăm sóc tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, nếu không có thỏa thuận giảm nợ rõ ràng với Trung Quốc, những khó khăn tài chính của Lào sẽ không thể giảm bớt.
“Lào nên đàm phán về cách xử lý nợ thẳng thắn với Trung Quốc, chẳng hạn như giảm nợ theo giá trị ròng hiện tại, để giúp Lào đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ một cách bền vững”, Toshiro Nishizawa, giáo sư tại Đại học Tokyo, bình luận.
Ông nói thêm, các sự lựa chọn khác đối với Lào là đàm phán giãn thời gian trả nợ và giảm lãi suất, cũng như cách tiếp cận lấy khí hậu làm trung tâm giống như các thỏa thuận “đổi nợ lấy khí hậu”, tức đòi hỏi Lào phải cam kết các chính sách bảo vệ môi trường để đổi lấy việc giảm nợ.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Trung Quốc đã giãn nợ đáng kể cho Lào trong thời gian ngắn từ năm 2020 đến năm 2022, mang lại “sự cứu trợ tạm thời”. WB ước tính, các khoản trả nợ hoãn lại trong ba năm đó chiếm khoảng 8% GDP của Lào vào năm 2022. Nhưng sự hào hiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho đến nay chỉ dừng lại ở mức đó.
“Với cách tiếp cận mà Trung Quốc đã thực hiện trước đây, điều này có thể mang lại sự cứu trợ ngắn hạn đối với Lào, nhưng chỉ có vậy”, Mariza Cooray, nhà nghiên cứu và nhà kinh tế cấp cao của Trung tâm phát triển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Viện Lowy (Úc) cho biết trong một báo cáo đầu năm nay.
Bà viết: “Giống như Sri Lanka và Zambia, Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng cắt giảm khoản nợ của Lào, dù có những dấu hiệu rõ ràng rằng, điều này cuối cùng sẽ cần thiết và vì lợi ích của tất cả các bên”.
Ngăn chặn Lào vỡ nợ sẽ là mang lại lợi ích tốt nhất cho Bắc Kinh Mối quan hệ mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Lào giúp củng cố vị thế của Bắc Kinh ở Đông Nam Á khi Washington tìm cách xây dựng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Các ngân hàng Trung Quốc không muốn trở thành chủ nợ với gánh nặng tài sản kém hiệu quả ở Lào. Trung Quốc cũng không muốn trở thành nước cho vay không đáng tin cậy đối với các nước đang phát triển. Trung Quốc không sẵn lòng và không thể để Lào vỡ nợ”, giáo sư Nishizawa nhận định.
Một số phương tiện truyền thông đã cảnh báo về cái gọi là “bẫy nợ”, một kịch bản trong đó, Bắc Kinh sẽ tiếp quản các tài sản cơ sở hạ tầng có giá trị ở Lào, nếu nước này vỡ nợ hoặc không thể thanh toán nợ đúng hạn.
Mối lo ngại này ngày càng gia tăng sau khi Tổng Công ty điện lực Lào (EDL), chiếm khoảng 37% nợ nước ngoài của chính phủ Lào, ký thỏa thuận nhượng quyền 25 năm với Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG) vào năm 2021. Thỏa thuận này mang lại cho CSG quyền kiểm soát cổ phần đa số ở một công ty mới có tên gọi Công ty Truyền tải điện Lào (EDLT) và quyền xuất khẩu điện của Lào ra nước ngoài.
Một số chuyên gia đã bác bỏ lo ngại về ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc tại các nước nằm trong sáng kiến BRI. Hai nhà nghiên cứu, Deborah Brautigam của Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc châu Phi (CARI) ở Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins và Meg Rithmire của Trường Kinh doanh Harvard, đã chỉ ra rằng Sri Lanka vay nợ từ Nhật Bản, WB và ADB nhiều hơn từ Trung Quốc.
“Khi khủng hoảng nợ xảy ra, chúng tôi không thấy các ngân hàng Trung Quốc cố gắng ‘thu giữ tài sản’ và cho đến nay, cũng không có trường hợp nào ở châu Phi cần đến trọng tài quốc tế hoặc sự tham gia của tòa án (để giải quyết bất đồng về nợ với Trung Quốc)”, các nhà nghiên cứu CARI lưu ý trong một báo cáo năm 2020.
Báo cáo cho biết, thay vào đó, Trung Quốc đang cố gắng phát triển các giải pháp phù hợp để giải quyết tính bền vững của nợ tùy từng trường hợp cụ thể.
Cuối cùng, Lào cần đa dạng hóa đầu tư nước ngoài nhưng với tình hình kinh tế bất ổn, điều này sẽ khó đạt được nếu không có thỏa thuận tái cơ cấu nợ với Trung Quốc.
“Việc hoàn tất thành công các cuộc đàm phán lại nợ sẽ rất quan trọng đối với Lào”, Pedro Martins, chuyên gia kinh tế cấp cao của văn phòng WB tại Lào, nói.
Tuy nhiên, Viêng Chăn vẫn còn rất nhiều lựa chọn để tránh vỡ nợ. Harumi Taguchi, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết, điều này có thể liên quan đến cải cách thuế, bao gồm việc giảm các khoản miễn thuế quá mức và cải thiện doanh thu thuế.
Theo Pedro Martins, chuyên gia kinh tế của WB, cải thiện hiệu quả chi tiêu, củng cố khu vực tài chính và thúc đẩy môi trường kinh doanh đồng thời thúc đẩy xuất khẩu là những giải pháp khác mà chính phủ Lào có thể cân nhắc.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: