Ngày 22-11, theo Hãng tin The Nation, trong cuộc họp với các đại sứ, tổng lãnh sự, tùy viên thương mại tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã đưa ra chính sách ngoại giao chủ động mới, trong đó các phái viên sẽ đóng vai trò nòng cốt thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và phát huy "sức mạnh mềm" ở nước ngoài.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin kêu gọi các nhà ngoại giao cùng hợp tác để đưa ra phương hướng và chiến lược hiệu quả, thực chất cho kỷ nguyên mới của chính sách đối ngoại nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của đất nước và bảo vệ lợi ích công; đề xuất 2 cơ chế chức năng để xây dựng chiến lược làm việc.
Đầu tiên ngoại giao kinh tế như xúc tiến thương mại và đầu tư. Các nhà ngoại giao sẽ kết nối với khu vực tư nhân, hướng dẫn và trao đổi thông tin về thị trường, kinh tế, sau đó xây dựng một kế hoạch hành động tổng thể và toàn diện nhằm thúc đẩy thương mại, xuất, nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong cơ chế thứ hai, Thái Lan đẩy mạnh hỗ trợ dành cho người Thái ở nước ngoài và các doanh nghiệp Thái Lan.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cũng chỉ ra sự cần thiết phải bắt đầu thực hiện chính sách ngoại giao chủ động, đồng thời kết hợp những kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp về các vấn đề đối ngoại, yêu cầu các phái viên áp dụng cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm.
Ông nhấn mạnh vai trò thiết yếu của chính phủ là hỗ trợ cải thiện hơn nữa chỉ số thuận lợi kinh doanh của Thái Lan và đẩy nhanh các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do.
Nhiều hiệp hội và tập đoàn lớn của Thái Lan đều có chung kỳ vọng rằng Thủ tướng Srettha Thavisin sẽ giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và tạo động lực cho nền kinh tế đất nước thoát khỏi sự trì trệ hiện nay để phát triển.
Theo giới quan sát, những thách thức kinh tế mà Chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin cần giải quyết bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến các đối tác thương mại của Thái Lan như Mỹ và châu Âu.
Xuất khẩu của Thái Lan được dự đoán sẽ giảm 2-3% trong năm nay. Nền kinh tế trong nước cũng đang đặt ra nhu cầu về các biện pháp kích thích kinh tế ngắn hạn và sự cần thiết phải điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ và đổi mới nhằm nâng cao việc tạo ra giá trị trong sản xuất, dịch vụ.
Nguồn: Báo Hànộimới
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: