Trong số những lập luận quan trọng đưa ra lâu nay, giới khoa học tin rằng để giảm bớt ảnh hưởng của việc sản xuất thực phẩm đối với khí hậu và môi trường thì phải nghĩ cách tạo ra thực phẩm nhiều hơn nhưng lại sử dụng đất đai ít hơn.
Singapore là một trong số các quốc gia minh chứng điều này rõ nét nhất.
Giống như phần còn lại của thế giới, Singapore chạy đua với bài toán bảo đảm lương thực, thực phẩm cho lượng dân số ngày càng tăng trong điều kiện tài nguyên cực kỳ hạn chế - gần 6 triệu người sinh sống trên đảo quốc rộng vỏn vẹn hơn 700 km2 và gần như không có đất cho nông nghiệp. Từ lâu, Singapore phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu với hầu hết mọi loại thực phẩm họ tiêu thụ.
Đảo quốc nhỏ bé nhưng giàu có, phát triển nhanh này đang giải bài toán nan giải đó một cách ấn tượng: Nắm bắt và khuyến khích các công nghệ thực phẩm mới! Theo báo chí địa phương, Singapore triển khai một chương trình mang tên "30 by 30" từ năm 2019, với mục tiêu tự sản xuất được 30% lượng thực phẩm theo nhu cầu vào năm 2030 trong khi vẫn sử dụng chưa đến 1% tổng diện tích đất đai của mình cho nông nghiệp.
Thông qua "30 by 30", ComCrop, công ty nông nghiệp "tầng thượng" thương mại đầu tiên của Singapore, đã nhận được yêu cầu đặc biệt của chính phủ là tăng gấp 4 lần sản lượng giữa đại dịch COVID-19, khi các nước phong tỏa biên giới để chống dịch, Singapore bị cắt đứt rất nhiều nguồn cung cấp thực phẩm.
Canh tác trên tầng thượng các tòa nhà, ComCrop trồng cải kale (cải xoăn), xà lách và các loại rau gia vị... nhờ vào hàng loạt công nghệ. Thay cho đất, họ sử dụng nước trồng nhiều dinh dưỡng, năng lượng mặt trời trong môi trường trang trại được kiểm soát cẩn thận cả về nhiệt độ, gió và mức độ ánh sáng.
Trại trứng lớn nhất Singapore Seng Choon cũng đã đáp ứng được nhu cầu trên sân nhà. Chỉ với khoảng 100 nhân viên, Seng Choon hiện nuôi 850.000 con gà và cung cấp 600.000 quả trứng mỗi ngày.
Không chỉ rau hay trứng, hải sản cũng được nuôi theo phương pháp hiện đại ở Singapore. Trang trại "khép kín" Eco-Ark mỗi năm nuôi được 400 tấn cá vược châu Á và cá nhụ 4 vây. Tại một trang trại khác là Vertical Oceans, tôm được nuôi trong các bể lớn xếp chồng lên nhau - đúng như tên gọi " Đại dương thẳng đứng" - đặt trong một nhà kho.
Dĩ nhiên không thể không nhắc tới thịt. Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán loại thịt được "nuôi" từ các tế bào trong lồng ấp sinh học, thường gọi là thịt nhân tạo. Tại Singapore, nhiều công ty đã đi theo hướng này, chẳng hạn thịt gà của Good Meat, thịt và tôm nhân tạo (cả tôm hùm) của Shiok Meats...
Thế nhưng, dù có sự hỗ trợ tài chính của chính phủ cũng như hàng loạt công nghệ mới, Singapore vẫn nhận ra tiến trình chuyển đổi nông nghiệp không hề dễ dàng. Đầu tiên là do tâm lý bảo thủ của khách hàng. Tiếp đến, các loại sản phẩm mới chưa được bày bán ưu tiên trên các kệ siêu thị, cửa hàng... Cuối cùng, nhiều công ty than rằng khó mà thu được lợi nhuận vì nuôi trồng trong các môi trường phi tự nhiên ngốn chi phí rất cao, nhất là chi phí năng lượng.
Nguồn: Báo Người Lao Động
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: