Điểm tin

ASEAN thúc đẩy sự phát triển của châu Á

04 tháng 12. 2023

Chiều 03-12, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 đã diễn ra các Phiên toàn thể và đối thoại thảo luận về sự phát triển của châu Á và Đông Nam Á.

​Kiến tạo hòa bình, tăng trưởng thế giới

Phiên toàn thể "Xây dựng phát triển châu Á" diễn ra dưới sự chủ trì của ông Roger King - Người sáng lập và C​hủ tịch, ODS Holdings Inc., Hồng Kông.

Tham dự có ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), các sở, ban ngành tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp.

Các diễn giả tập trung thảo luận về tầm nhìn, vai trò và định hướng hợp tác của châu Á trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Nhất là khi châu Á, nơi sinh sống của 60% dân số toàn cầu, trong đó có ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, gần đây liên tục tăng trưởng với tốc độ ổn định.

Trao đổi tại diễn đàn, các diễn giả cho rằng, châu Á ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình, thịnh vượng của thế giới trong bối cảnh thế giới diễn ra cuộc xung đột Nga - Ukraina, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, tình hình an ninh thế giới, biến đổi khí hậu và lạm phát.

Các diễn giả cũng thảo luận định hướng hợp tác của châu Á trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu trong thế giới đa cực, trong đó chú trọng một số lĩnh vực như: Phục hồi và phát triển kinh tế, chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển và bất bình đẳng xã hội, sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc; quản trị toàn cầu về công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo Al)…

Theo các diễn giả, sự có mặt của Al, ChatGPT với những tính năng thông minh vượt trội khiến nhiều người không khỏi lo ngại về vị trí, vai trò của mình trong thời đại trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Trí tuệ nhân tạo là ngành khoa học đang tác động sâu sắc đến xã hội và định hình lại xã hội. Ông Mai An - Đồng sáng lập và Chủ tịch IMT Solutions, Việt Nam cho rằng, sự sáng tạo của Al tuy không bằng con người nhưng hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số công việc liên quan đến viết lách, tính toán, tổng hợp… Do vậy, sức mạnh của Al, của công cụ ChatGPT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xu hướng ngành nghề và thị trường lao động khi số lượng công việc liên quan đến các hoạt động trên giảm xuống. Vấn đề đặt ra là con người biết tận dụng những ưu điểm của trí tuệ nhân tạo, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và biết chủ động khai thác thông tin, kiểm soát để không bị phụ thuộc, trở thành "nô lệ" của trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

Ông Roger King - Người sáng lập và Chủ tịch ODS Holdings Inc., Hồng Kông nhấn mạnh, quá khứ ở sau lưng nhưng tương lai ở phía trước, để ứng phó với những thách thức của một thế giới ngày càng phức tạp, các nước châu Á cần hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để cùng phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; phát huy tốt những động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, phải bảo đảm mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Nâng cao chất lượng nhân lực, tăng năng suất lao động khu vực ASEAN

Phiên đối thoại với chủ đề "ASEAN thúc đẩy sự phát triển của châu Á" do ông Seilesh Purswani - Chủ tịch Tập đoàn Thai Martin, Thái Lan và ông Bill Nguyen - Người sáng lập và Giám đốc Điều hành Viện ABS, Việt Nam chủ trì tập trung thảo luận về những cơ hội, thách thức và các chiến lược mà các quốc gia ASEAN cần tập trung thực hiện để tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn như hiện nay.

Các đại biểu đánh giá, châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang ngày càng phát triển kinh tế mạnh mẽ, tiếp tục những đóng góp không nhỏ chung cho nền kinh tế toàn cầu. Từ những ngành kinh tế truyền thống, khu vực đã và đang có những bước chuyển mạnh mẽ, sang những ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghệ chíp bán dẫn, công nghệ AI, robot… để hướng tới tăng trưởng xanh. Ba yếu tố chính khiến ASEAN trở thành khu vực đầy hứa hẹn cho đầu tư chính là sự ổn định chính trị, thị trường rộng mở và nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, thách thức khu vực ASEAN đang gặp phải hiện nay là cơ chế chính sách của Chính phủ, sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia, bẫy thu nhập trung bình, năng lực về tài chính, công nghệ của doanh nghiệp và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

Các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy khu vực ASEAN phát triển, các nước phải tận dụng được tiềm năng, lợi thế, gắn với việc đưa ra các chính sách phù hợp, tận dụng có hiệu quả nguồn vốn, công nghệ từ bên ngoài. Đặc biệt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng là những giải pháp quan trọng cho khu vực ASEAN trong tiến trình phát triển.

Ông Bill Nguyen - Người sáng lập và Giám đốc Điều hành Viện ABS cho rằng, bất cứ một quốc gia nào, muốn phát triển và đạt được thành công thì việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quyết định. Theo ông, nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Thời gian qua, ASEAN rất chú trọng vấn đề này, đã có nhiều hoạt động, sáng kiến cụ thể để vượt qua thách thức nói trên. Khu vực đã xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN, tạo ra các không gian giáo dục đại học để sinh viên các nước ASEAN có thể trao đổi với nhau, đề cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển nói chung và phát triển nguồn nhân lực cao nói riêng.

Cùng với giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ các nước và chính quyền các địa phương cần thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động về các yêu cầu, rào cản đối với cải thiện năng suất lao động và kiến nghị các giải pháp phù hợp. Xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp doanh nghiệp, cộng đồng. Đối với doanh nghiệp, ông Seilesh Purswani - Chủ tịch Tập đoàn Thai Martin, Thái Lan cho rằng các doanh nghiệp cần phải có những chính sách để thu hút, đào tạo và chính sách để giữ người lao động để họ yên tâm cống hiến, đóng góp cho thành công của doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Phiên đối thoại cũng đã chia sẻ thêm về những kinh nghiệm trong nâng cao năng suất lao động, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, chính sách thúc đẩy đầu tư, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn…​

Nguồn: www.binhduong.gov.vn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: