Công nghệ xanh (Greentech) tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường nhằm giảm tác động tiêu cực của hoạt động con người đến tự nhiên, trong đó, quản lý rác thải là một trong những lĩnh vực mà công nghệ này đang tạo ra tác động đáng kể…
Khi dân số đô thị của Đông Nam Á tăng lên, nhu cầu về các giải pháp bền vững để bảo vệ không gian sống cũng tăng theo. Những công ty có các giải pháp sáng tạo trong bảo vệ môi trường hiện thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ngoài ra, khi áp lực về trách nhiệm môi trường của từng quốc gia ngày càng lớn, các chính phủ đang thực hiện các chính sách hỗ trợ cùng các chương trình khuyến khích, tạo điều kiện để các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sạch có dư địa để phát triển. Theo Tech Collective, công nghệ xanh tại Đông Nam Á hiện có một số ngành nổi bật sau.
CÔNG NGHỆ BIẾN RÁC THẢI THÀNH NĂNG LƯỢNG
Các chính phủ Đông Nam Á mong muốn khai thác các công nghệ biến rác thải thành năng lượng (WTE) để giải quyết một trong những vấn đề nhức nhối nhất của khu vực, tình trạng rác thải ngày càng tăng nhanh. Theo Tech Collective, năm nay, ngành này trị giá khoảng 3.326 triệu USD, dự đoán giá trị ngành này sẽ tăng gần gấp đôi lên 6.070,97 triệu USD vào năm 2028.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc biến rác thải thành năng lượng không phải là giải pháp hoàn hảo cho việc thiếu năng lượng và xử lý rác thải. Có những lo ngại về tác động môi trường của các lò đốt và các doanh nghiệp trong ngành này cần cân bằng giá trị nhiệt lượng và chất lượng chính xác của rác thải để tối ưu hóa khối lượng thành phẩm và doanh số bán điện.
SINH KHỐI VÀ THỦY ĐIỆN
Các nước ASEAN cũng đang nắm bắt các nguồn năng lượng tái tạo như sinh khối và thủy điện. Sinh khối, có nguồn gốc từ rác thải nông nghiệp và lâm nghiệp, ngành này đặc biệt có tiềm năng phát triển ở các quốc gia như Việt Nam, nơi đã có nền văn hóa nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, Lào cũng có nguồn cung cấp năng lượng tái tạo dồi dào, với nguồn cung sinh khối khoảng 46 triệu tấn mỗi năm .
Một số công ty khởi nghiệp xanh khác trong khu vực đang phát triển các giải pháp sáng tạo để chống lại tác hại của rác thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Công ty Hi-Gi Energy (Philippines) có thể biến đổi một loại cây dễ bắt gặp, lục bình, thành những khối bụi than nén để tạo thành bánh than. Ở những đất nước mà nhiều người vẫn sử dụng củi hoặc than củi, nhiên liệu nấu ăn từ nguồn nhiên liệu xanh này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nạn phá rừng và ô nhiễm không khí.
ĐỐI MỚI TÁI CHẾ
Tái chế là một phần thiết yếu của quản lý rác thải và công nghệ xanh đang làm cho hoạt động này trở nên hiệu quả hơn. Một số nhà máy xử lý rác thải hiện sử dụng hệ thống hồng ngoại để phân loại các loại bao bì khác nhau và tách chúng theo loại nhựa chứa trong đó.
Tại Thái Lan, công ty REBOON tập trung vào việc thành lập các trung tâm phân loại và tái chế rác thải trong các ngôi chùa. Ngoài ra, họ tận dụng vai trò của ngôi chùa trong cộng đồng như một trung tâm giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường và rác thải.
IOT VÀ QUẢN LÝ RÁC THẢI DỰA TRÊN DỮ LIỆU
Việc sử dụng IoT và hệ thống quản lý rác thải dựa trên dữ liệu để tối ưu hóa việc thu gom và xử lý rác thải là xu hướng hiện nay. Những hệ thống này sử dụng cảm biến và phân tích dữ liệu để theo dõi mức rác thải và dự đoán khi nào thùng rác cần được đổ đi. Điều này giúp các công nhân môi trường giảm số lượng chuyến thu gom và tiết kiệm thời gian.
Ngoài ra, việc rác thải có thể được theo dõi từ nơi xuất xứ đến điểm đến cuối cùng, đảm bảo quá trình được xử lý đúng cách.
BÀI HỌC TỪ TRUNG QUỐC
Một quốc gia đáng để các nước Đông Nam Á học hỏi trong áp dụng công nghệ quản lý rác thải là Trung Quốc. Quốc gia này có công suất chuyển đổi rác thải thành năng lượng cao nhất trên toàn cầu nhưng các nền kinh tế mới nổi khác vẫn có thể học hỏi vì rác thải của nước này có xu hướng “ướt” và có giá trị calo thấp khi đốt.
Đổi mới công nghệ xanh ở Đông Nam Á phải vượt qua một số thách thức, bao gồm nguồn vốn đầu tư ban đầu cao và thiếu chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, hơn hết, công nghệ này sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội tạo việc làm, lợi ích kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào bãi chôn lấp và thúc đẩy tính bền vững. Công nghệ biến rác thải thành năng lượng, đổi mới tái chế, thực hành nền kinh tế tuần hoàn, IoT và quản lý rác thải dựa trên dữ liệu là một số giải pháp hứa hẹn nhất cho một tương lai xanh hơn của khu vực.
Nguồn: VnEconomy
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: