Năm 2024 được dự báo có thể sẽ là một năm bận rộn đối với Đông Nam Á trên mặt trận kinh tế.
Theo tờ The Diplomat, một lĩnh vực chắc chắn sẽ được theo dõi chặt chẽ là năng lượng sạch. Đông Nam Á có một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, mà phần lớn sự tăng trưởng đó trước đây được thúc đẩy bởi nhiên liệu hóa thạch, nên sự chú ý về năng lượng sạch gần đây đã chuyển sang các nước như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.
Indonesia và Việt Nam đều công bố tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá hàng tỉ USD, trong khi Thái Lan đang nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất xe điện (EV) trong khu vực.
Rõ ràng, cuộc đua nhằm khử carbon ở nhiều nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang nóng lên. Câu hỏi trị giá hàng triệu USD là chính sách tối ưu để đạt được điều đó là gì. Năng lượng mặt trời đang nhanh chóng trở thành hình thức phát điện rẻ nhất, nhưng nhiều quốc gia có thể chậm áp dụng vì lý do kỹ thuật (lưới điện gặp khó khăn trong việc xử lý các nguồn năng lượng phân tán, không liên tục như năng lượng mặt trời) hoặc vì các yếu tố kinh tế chính trị (như trữ lượng nhiên liệu hóa thạch lớn trong nước).
Liệu sự kết hợp phù hợp giữa các khuyến khích thị trường và phi thị trường có được áp dụng hay không và bằng cách nào để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, sẽ là một câu chuyện quan trọng cần theo dõi vào năm 2024.
Một vấn đề khác dự kiến vẫn nhận được sự quan tâm là cạnh tranh nước lớn và tác động đến khu vực trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng điều cần chú ý, theo The Diplomat, là cách các quốc gia Đông Nam Á điều hướng và thậm chí được hưởng lợi từ những điều này. Ví dụ, ở Philippines, các ngân hàng phát triển của Nhật Bản và các tổ chức cho vay đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á đang dẫn đầu trong việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt lớn trong và xung quanh Thủ đô Manila.
Có thể thấy xu hướng tương tự trong mua sắm quốc phòng, khi các nhà thầu ở Hàn Quốc, Pháp và các nước khác đang tìm cách mở rộng dấu ấn của họ ở Đông Nam Á bằng cách đưa ra các điều khoản hấp dẫn hơn (bao gồm các thỏa thuận đồng sản xuất, tài trợ và cấp phép) so với mức mà các công ty Mỹ có thể sẵn lòng cung cấp.
Theo The Diplomat, đây không hẳn là vấn đề cạnh tranh nước lớn, mà là cách các nước tầm trung trong khu vực tìm cách tận dụng sự cạnh tranh địa chính trị để mang lại kết quả phát triển tốt hơn cho chính họ. Sự đa cực tạo cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á đạt được kết quả tốt hơn là điều cần chú ý trong năm 2024.
Một điều cuối cùng cần lưu tâm trong năm nay là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và cách nó sẽ tiếp tục định hình các mô hình thương mại - đầu tư trong khu vực.
Hiện khá rõ ràng là nhiều nước trên thế giới đang hướng tới các chính sách kinh tế hướng nội, đặt ưu tiên trong nước lên trên các cam kết thương mại tự do. Các chuỗi cung ứng được sử dụng vì lợi ích địa chính trị và các trọng tài toàn cầu về thương mại tự do như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày càng bị gạt sang một bên.
Ở Đông Nam Á, Indonesia đang sử dụng lệnh cấm xuất khẩu quặng niken để buộc đầu tư nước ngoài đổ vào công nghiệp hóa hạ nguồn. Hiện Jakarta đã mở rộng lệnh cấm sang xuất khẩu quặng khác như bauxite. Indonesia cũng cấm xuất khẩu than và dầu cọ trong thời gian ngắn, trong khi Malaysia ngừng xuất khẩu thịt gà để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt trong nước.
Theo The Diplomat, với việc các đối thủ của các cường quốc cạnh tranh với nhau để giành quyền tiếp cận và ảnh hưởng, các nước tầm trung ở Đông Nam Á đang tìm kiếm các điều khoản thương mại mang lại nhiều lợi ích trực tiếp hữu hình hơn cho chính họ và ít sẵn sàng hỗ trợ một hệ thống thương mại tự do toàn cầu - vốn có thể đem lại những lợi ích lớn nhưng lại có nhiều hạn chế. Xu hướng này khó có thể biến mất trong năm 2024.
Nguồn: Báo Lao Động
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: