Các nhà quan sát cho rằng Ấn Độ cần làm nhiều hơn nữa để tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á giàu tiềm năng.
Theo nguồn tin từ SCMP, kết quả khảo sát do Viện Iseas-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore công bố vào tuần trước cho thấy rất ít người Đông Nam Á bày tỏ sự tin tưởng vào Ấn Độ.
Theo báo cáo có tiêu đề “Tình trạng Đông Nam Á 2024”, với sự tham gia của người dân trên 10 quốc gia ASEAN, chỉ 14,2% cho biết họ tin tưởng Ấn Độ sẽ “làm điều đúng đắn” và đóng góp cho “hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu”. Trong khi đó, 30,5% số người được hỏi “không mấy tin tưởng” và 31% “không bình luận” về vấn đề này.
Chỉ 0,4% số người được hỏi coi Ấn Độ là quốc gia có ảnh hưởng chính trị và chiến lược nhất với Đông Nam Á, trong khi chỉ 0,6% tin tưởng vào sự lãnh đạo của New Delhi trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đánh giá về kết quả này, Ian Hall, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Griffith của Australia, cho biết danh tiếng của Ấn Độ trong khu vực đã bị ảnh hưởng do chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của nước này và niềm tin vào các mối liên hệ lịch sử và văn hóa đã ràng buộc Đông Nam Á với Nam Á.
Ông Hall nói thêm: “Ở một số quốc gia như Malaysia, mối lo ngại về các vấn đề nhạy cảm tồn tại lâu dài như Kashmir cũng tác động đáng kể vào quan điểm với Ấn Độ”.
Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới và tăng trưởng nhanh nhất, đã đảm nhận vai trò toàn cầu lớn hơn và nổi lên như một nền kinh tế dẫn đầu của khu vực Nam bán cầu.
Bị ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa và văn minh Ấn Độ từ khoảng năm 200 trước Công nguyên cho đến khoảng thế kỷ 15, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Đông Nam Á trong những thời kỳ đó nằm trên các tuyến đường thương mại hàng hải và tôn giáo, hay sự truyền bá Phật giáo bởi các nhà sư và sứ giả đến khu vực.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chuyên gia Hall cho biết, báo cáo đã cho thấy sự thiếu quan tâm của chính phủ Ấn Độ đối với việc xây dựng mối quan hệ và gia tăng tầm ảnh hưởng đến giới tinh hoa học thuật và chính sách ở Đông Nam Á.
Đặc biệt, trong những tháng trước cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ, chính phủ nước này đã áp đặt các biện pháp bảo hộ thương mại để giảm lạm phát và thất nghiệp, bao gồm cả hạn chế xuất khẩu thực phẩm. Điều này tác động không nhỏ đến các nước nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Ấn Độ như Indonesia, Malaysia.
Ông Hall nói thêm, New Delhi có thể thu hút nhiều nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp từ Đông Nam Á đến Ấn Độ để đối thoại chính sách, thăm quan thị trường và tìm kiếm đối tác. “Trên thực tế, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ làm việc này rất hiệu quả, nhưng các nước Đông Nam Á không hiểu rõ về Ấn Độ”.
Đồng quan điểm, ông Amitendu Palit, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định nhận thức về vai trò toàn cầu của Ấn Độ vẫn còn “khá thấp” ở hầu hết các nước Đông Nam Á.
Ông lưu ý rằng, ngoại lệ duy nhất trong khu vực là Singapore, nơi ý thức về vai trò của Ấn Độ trong các vấn đề toàn cầu đã bắt đầu được tăng lên trong thời gian gần đây. “Nhận thức về Ấn Độ dự kiến sẽ thay đổi theo thời gian khi sự hiện diện của Ấn Độ trong việc xây dựng các quy tắc chung trong khu vực trở nên rõ ràng hơn”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Hiện Ấn Độ tiếp tục thực hiện chính sách “Hành động hướng Đông”, tập trung vào hợp tác kinh tế với các nước ASEAN và nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ kinh tế, chiến lược và văn hóa với khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn..
Thông qua việc thúc đẩy chính sách này, việc hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN sẽ tăng lên về mọi mặt, mặc dù quốc gia này đã tăng cường quan hệ nhiều hơn với một số quốc gia cụ thể, đặc biệt là Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Dù mối quan hệ thương mại và đầu tư của New Delhi với Đông Nam Á đang phát triển nhưng không đồng đều giữa các quốc gia khác nhau trong khu vực. Ấn Độ có thể bị coi là tụt hậu so với Trung Quốc và các nước lớn khác về hợp tác thương mại trong khu vực.
Trong khi thương mại của Trung Quốc với ASEAN vào năm 2022 đạt 975,3 tỷ USD thì thương mại của Ấn Độ với khối chỉ ở mức 110 tỷ USD trong cùng năm. Không giống như Bắc Kinh nỗ lực triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây, các dự án của Ấn Độ tại khu vực này được cho là đã chậm tiến độ trong nhiều năm.
Mặc dù vậy, theo ông Chirayu Thakkar, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), việc hợp tác trong lĩnh vực quân sự cũng góp phần củng cố niềm tin tại Đông Nam Á về vai trò của Ấn Độ.
Chuyên gia này chỉ ra, tại ba quốc gia Việt Nam, Thái Lan và Philippines, nơi Ấn Độ có quan hệ hợp tác quân sự ở mức độ cơ bản, sự tin tưởng đều đạt ở mức độ cao, lần lượt là 34,5%, 30,3% và 32,6%, trong khi mức trung bình của ASEAN là 20,5%.
“Để xây dựng lòng tin và sự tự tin lớn hơn, Ấn Độ có thể tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế sâu sắc hơn và duy trì hợp tác nhất quán với Đông Nam Á. Tuy các kết quả khảo sát không nhất thiết phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ, nhưng điều này đang nhấn mạnh sự cần thiết của việc đánh giá lại cách tiếp cận của Ấn Độ với Đông Nam Á, và tìm cách xây dựng niềm tin cũng như thực hiện chiến lược khu vực của mình hiệu quả hơn”, ông Thakkar nói.
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: