Điểm tin

Đông Nam Á có thể thực hiện sáng kiến visa chung

17 tháng 04. 2024

Nhiều nghiên cứu trong khu vực Đông Nam Á chỉ ra, hệ thống thị thực kiểu Schengen ở Đông Nam Á có thể thúc đẩy du lịch và nền kinh tế nói chung.

Hiện nay, Thái Lan đang tìm cách thúc đẩy du lịch khắp Đông Nam Á với chương trình thị thực mới. Quốc gia này đang ủng hộ việc cấp thị thực kiểu Schengen cùng với 5 quốc gia láng giềng. Nếu đề xuất này được tiến hành,

Campuchia, Malaysia, Myanmar, Việt Nam và Lào đều có thể trở nên dễ dàng tiếp cận hơn nhiều từ Thái Lan.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin được cho là đang thúc đẩy việc xây dựng chương trình visa chung trong khối, với mục đích thu hút khách du lịch có mức chi tiêu lớn hơn từ các quốc gia khác. Trước mắt, các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo 5 quốc gia láng giềng được cho là đang diễn ra tốt đẹp.

Campuchia, Malaysia, Myanmar, Việt Nam, Lào và Thái Lan đã đón khoảng 70 triệu khách du lịch vào năm ngoái, trong đó Thái Lan và Malaysia chiếm phần lớn lượng khách du lịch đến khu vực này. Tuy nhiên, Thái Lan đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất đang chững lại và xuất khẩu giảm sút.

Theo ông Bill Barnett, Giám đốc điều hành bộ phận tư vấn khách sạn và tài sản C9 Hotelworks, nếu thực hiện được, lợi ích của sáng kiến này sẽ không chỉ giới hạn ở du lịch vì việc đi lại dễ dàng giữa các quốc gia Đông Nam Á sẽ thúc đẩy các quốc gia trên toàn cầu đến khu vực mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh mới, góp phần vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Ông Barnett cũng chỉ ra, visa chung dạng Schengen cũng sẽ góp phần đẩy mạnh việc thu hút nhóm khách du lịch có mức chi tiêu cao đang tìm kiếm những kỳ nghỉ sang trọng kéo dài ở nhiều quốc gia, tạo ra doanh thu đáng kể cho các quốc gia ở Đông Nam Á.

Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy, những nhóm khách du lịch chi tiêu nhiều mà sáng kiến visa chung nhắm tới cũng giống các nhóm khách du lịch đã tới Thái Lan, Malaysia và nhiều nước Đông Nam Á khác. Các nhóm khách du lịch này thường tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa đa dạng, những điểm đến tự nhiên và cơ hội du lịch độc đáo, cũng như có xu hướng tham gia các tour nhiều điểm đến, khám phá nhiều địa danh ở Đông Nam Á trong cùng một hành trình.

Đồng quan điểm, bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, cựu Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, nhận định một loại visa chung có thể thu hút những du khách từ các nước khác đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Bà cho biết, bất kỳ chương trình mới nào cũng nên cấp thị thực có thời hạn 90 ngày để giúp khách du lịch có thể dành nhiều thời gian hơn ở mỗi quốc gia mà họ chọn đến thăm.

Tuy nhiên, việc đưa sáng kiến này đi vào thực tế có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn. Mỗi quốc gia Đông Nam Á có chính sách và phí thị thực riêng. Việc áp dụng visa chung theo dạng Schengen đòi hỏi sự hợp tác và thỏa hiệp giữa các quốc gia, cũng như đạt được sự cân bằng trong chính sách giữa các nước.

Theo ông Thitinan Pongsudhirak, Giáo sư tại khoa khoa học chính trị của Đại học Chulalongkorn, đối với chương trình visa chung, việc phê duyệt phải có sự phối hợp đồng đều và việc thiếu các tiêu chí nhập cư tiêu chuẩn giữa các quốc gia tham gia sẽ đặt ra nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, mối quan tâm về an ninh cũng là yếu tố quan trọng. Việc tiêu chuẩn hóa các giao thức bảo mật dữ liệu trên sáu quốc gia là điều cần thiết để đảm bảo một hệ thống thị thực mạnh mẽ. Do đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng và hậu cần cho hệ thống dữ liệu này có thể mất nhiều thời gian, nguồn vốn và nguồn nhân lực cần thiết.

Chuyên gia Pongsudhirak cho biết: "Thành công của sáng kiến này phụ thuộc vào sự hợp tác khu vực. Nếu các quốc gia Đông Nam Á có thể vượt qua những rào cản trong việc dung hòa sự khác biệt để đạt được một chính sách thị thực chung cho khách du lịch thì sẽ tạo một "cú hích" mạnh mẽ có khả năng biến đổi ngành du lịch trong khu vực trong tương lai".

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: