Điểm tin

Thấy gì từ việc chuyển hướng ngoại giao kinh tế của Australia?

22 tháng 04. 2024

Bên cạnh việc nối lại quan hệ với Trung Quốc, Australia cũng đang tìm kiếm một sự thay đổi lớn trong quan hệ với khối ASEAN.

Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết ông sẽ theo đuổi hai mục tiêu trong ngoại giao kinh tế: khôi phục quan hệ với Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ với ASEAN. Ông Albanese đã nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc bằng cách dỡ bỏ dần các hạn chế nhập khẩu than, gỗ và lúa mạch vào năm 2023.

Các chuyến thăm cấp lãnh đạo của hai nước cũng đã được nối lại. Tháng 11 năm ngoái, ông Albanese trở thành Thủ tướng Australia đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau hơn 7 năm, trong khi chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Canberra vào cuối tháng 3 vừa qua là chuyến đi đầu tiên của ông sau 7 năm. Trung Quốc đã bãi bỏ thuế rượu vang ngay sau chuyến thăm của ông Vương, giúp mối quan hệ giữa hai nước trở nên tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, Canberra không có dấu hiệu giảm bớt nỗ lực kiềm chế Trung Quốc trong các vấn đề an ninh. Nước này đã tăng cường các cuộc tập trận hải quân với Mỹ, Nhật Bản và Philippines ở Biển Đông; đồng thời quốc gia này cũng đang thúc đẩy kế hoạch triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thông qua AUKUS, một khuôn khổ an ninh với Mỹ và Anh. Những động thái này có thể dẫn tới sự đe dọa đối với Trung Quốc một lần nữa, nhưng Canberra vẫn giữ vững lập trường.

Trong khi đó, với khu vực Đông Nam Á, ông Albanese bổ nhiệm Nicholas Moore, cựu Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Australia Macquarie Group, làm đặc phái viên về khu vực và xây dựng báo cáo dài 200 trang có tựa đề “Đầu tư: Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040” dưới sự hướng dẫn của ông Moore vào tháng 9 năm ngoái.

"Sự phát triển đáng chú ý của Đông Nam Á sẽ tiếp tục diễn ra, với mức tăng trưởng GDP kép hàng năm dự kiến ở mức khoảng 4% cho đến năm 2040, trong khi các nền kinh tế phát triển có thể sẽ đạt mức tăng trưởng GDP trung bình từ 1 đến 2%. Đến năm 2040, Đông Nam Á có thể sẽ tiếp tục phát triển trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ", báo cáo cho biết.

“Thị trường tiêu dùng tiềm năng ở Đông Nam Á sẽ lớn gấp 10 lần so với Australia. Khu vực này mang đến những cơ hội kinh tế lớn cho doanh nghiệp Australia trong những thập kỷ tới", Thủ tướng Albanese nhấn mạnh:

Mặc dù dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu vào Đông Nam Á tăng trung bình 13%/năm trong 20 năm qua, nhưng đầu tư trực tiếp của Australia vào khu vực này chỉ tăng 8%. Báo cáo cho biết, khu vực này chỉ nhận được một phần rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Canberra.

Báo cáo cho thấy rõ rằng Đông Nam Á nắm giữ chìa khóa để giảm sự phụ thuộc kinh tế của Australia vào Trung Quốc, nhưng quốc gia này đã không nắm bắt được các cơ hội thương mại và đầu tư do nằm gần trung tâm tăng trưởng toàn cầu. 

Đáng chú ý, bên cạnh việc thắt chặt quan hệ hợp tác với ASEAN, Australia đang thực hiện một sự thay đổi chính sách lớn trong ngoại giao kinh tế khi tăng cường hợp tác phát triển mối quan hệ song phương với từng nước thành viên ASEAN. Hướng đi mới này có thể được nhìn thấy tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia gần đây để kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị giữa hai bên. 

Cựu Phó Tổng biên tập của Tạp chí Tài chính Australia, Greg Earl, cho biết sự thay đổi hướng tới từng quốc gia riêng lẻ này có thể là một bước ngoặt lớn đối với chính sách ngoại giao kinh tế của Australia.

Chuyên gia này chỉ ra, ASEAN được thành lập năm 1967 bởi 5 nước, trong đó có Thái Lan và Indonesia. Australia trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của khối bảy năm sau đó. ASEAN rõ ràng coi nước này là một đối tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ an ninh đến hợp tác kinh tế. 

Khi diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương được thành lập vào năm 1989 theo sáng kiến của Australia, cả 6 thành viên ASEAN lúc đó đều gia nhập tổ chức này theo sự thúc giục mạnh mẽ của Canberra. Australia đã thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do song phương với Singapore và Thái Lan vào đầu những năm 2000, nhưng nước này luôn đặt ưu tiên quan hệ với khối hơn là các quốc gia thành viên. Nhưng những diễn biến địa chính trị và địa kinh tế gần đây đang thúc đẩy Canberra thay đổi chiến lược.

Ông Euan Graham, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết: “Nguồn lực ngoại giao của Australia là hữu hạn, nên nước này đang cho thấy sự tập trung vào những quốc gia có chung lợi ích kinh tế và an ninh khi sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên trong ASEAN có ý nghĩa chiến lược cũng như về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, hiện Australia và ASEAN cần nhau hơn bao giờ hết dù hai bên vẫn còn tồn tại bất đồng về một số vấn đề chính. Các chuyên gia đều đồng thuận rằng, ASEAN-Australia cần vượt qua những khác biệt còn tồn tại để tìm ra cách cùng nhau phát triển thịnh vượng trong 50 năm tới.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: