Điểm tin

ASEAN nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

29 tháng 05. 2024

Trao đổi tại Diễn đàn Tương lai châu Á 2024, các chuyên gia cho rằng, khu vực châu Á vẫn còn gặp khó khăn trong việc giảm tác động môi trường trong khi vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tỷ lệ sản xuất điện đốt than là 56,8% trong tổng sản lượng điện ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2021, cho thấy khu vực này vẫn phụ thuộc nhiều vào than.

Ông Chea Serey, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia cho biết: “Các nhà máy điện than đang đóng vai trò quan trọng đối với Campuchia cũng như toàn châu Á. Các quốc gia cần năng lượng và điện để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Đây cũng là lúc mỗi nước cần phải xem xét các thách thức để đảm bảo cân bằng giữa các yếu tố phát triển”.

Đồng quan điểm, ông Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), nhận định những thách thức ở ASEAN khác với những thách thức ở các nền kinh tế phát triển mặc dù đạt được mức phát thải ròng bằng 0 là mục tiêu chung toàn cầu. "Các nước ASEAN cần tiếp tục phát triển. Vì vậy, nhu cầu sử dụng năng lượng cũng sẽ tăng lên. Đó là điều tất yếu", ông Tetsuya Watanabe nhấn mạnh.

Theo ông Zafrul Aziz, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, chỉ ra rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ ở Đông Nam Á có thể không chịu được chi phí chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn hoặc sử dụng vật liệu tái chế cho hàng tiêu dùng. “Các nước kém phát triển hơn sẽ không có khả năng gánh chịu chi phí", ông Aziz lưu ý.

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tính tới năm 2050, sự mở rộng về kinh tế và nhân khẩu học tại khu vực ASEAN sẽ khiến nhu cầu năng lượng tăng khoảng 2,5 lần so với hiện nay, kéo theo lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng sẽ tăng gấp đôi.

Là nơi sinh sống của 650 triệu người và đồng thời là khu vực ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á trên thực tế vẫn luôn tăng trung bình khoảng 3% mỗi năm.

Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng tại ASEAN, theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, khu vực này cần tăng gấp đôi khoản đầu tư hàng năm vào hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi năng lượng và đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Các khoản đầu tư này sẽ giúp khu vực này mở rộng hỗ trợ công nghệ và cơ sở hạ tầng, mở rộng các khoản đầu tư bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu hydrogen. Ước tính từ nay đến năm 2050, ASEAN cần 29.400 tỷ USD để sản xuất 100% năng lượng tái tạo.

Mặt khác, có một số ý kiến cho rằng, ASEAN cũng cần hướng tới xây dựng hệ thống lưới điện chung cho phép triển khai năng lượng tái tạo cao hơn thông qua thương mại điện đa phương và mở rộng các khu vực cân bằng lưới điện. Ngoài ra, việc hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật cho xe điện hai bánh và trạm sạc có thể cho phép các nhà sản xuất thiết bị gốc phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu trên khắp thị trường Đông Nam Á.

Trên thực tế, các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực thực hiện thu hút vồn đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng mặt trời và gió nhằm giúp giảm bớt những trở ngại trong việc chuyển đổi năng lượng. Hiện những khoản đầu tư đang được thu hút đầu tư không chỉ từ bên ngoài khu vực mà còn đến từ chính các nước thành viên ASEAN.

Cơ sở hạ tầng mua bán và truyền tải điện đa phương giữa các nước thành viên ASEAN cũng đang có sự phát triển nhanh chóng, chẳng hạn như quan hệ đối tác của Singapore với Indonesia và Campuchia về việc nhập khẩu 3 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2028. Chính sách năng lượng có chủ ý và minh bạch có thể định hướng cho các nước thành viên ASEAN và gửi tín hiệu một cách rõ ràng tới các nhà đầu tư về việc họ cam kết thúc đẩy chuyển đổi năng lượng quốc gia.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: