Điểm tin

Ấn Độ sẽ "xích lại" gần hơn với ASEAN?

17 tháng 06. 2024

Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách “Hành động phía Đông” cần được điều chỉnh để tiếp tục là một phần quan trọng trong mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á.

Khi ông Narendra Modi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng Ấn Độ lần thứ ba, chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ đã sẵn sàng để điều chỉnh lại. Chiến lược của New Delhi với Đông Nam Á đã có bước tiến triển trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của ông Narendra Modi, mặc dù có một số thiếu sót cần phải điều chỉnh. Giờ đây, ông Modi có thể tạo thêm sức sống mới cho chính sách đối ngoại quan trọng này khi Ấn Độ tìm cách thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về mặt kinh tế, hợp tác thương mại và đầu tư của Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á đã nhận được sự thúc đẩy lớn, với thương mại song phương hàng năm tăng từ khoảng 80 tỷ USD năm 2014 lên hơn 110 tỷ USD trong 2 năm 2021-2022. Tuy nhiên, hiệp định thương mại hiện có với ASEAN, Khu vực thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ được coi là có lợi nhiều cho phía ASEAN.

Xuất khẩu của Ấn Độ sang Đông Nam Á chứng kiến mức tăng vừa phải trong năm tài chính 2023, từ mức 42,3 tỷ USD của năm 2022 lên 44 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN tăng với tốc độ nhanh hơn, từ 68 tỷ USD lên 87,6 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại 43,6 tỷ USD cho Ấn Độ. 

Mặt khác, việc tiếp cận kinh tế với các quốc gia ASEAN dưới thời ông Modi đã bị cản trở do sự miễn cưỡng thực hiện cải cách thị trường và tự do hóa thuế quan. Điều này đã dẫn đến sự thất vọng ở một số quốc gia Đông Nam Á, khiến khía cạnh kinh tế của Hành động hướng Đông bị tụt hậu so với các mục tiêu chính sách.

Về mặt chiến lược, những nỗ lực của Ấn Độ trong khuôn khổ chính sách Hành động hướng Đông đã góp phần đưa 7 thành viên ASEAN gia nhập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai khu vực quan trọng. Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ và quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang lại cơ hội hợp tác hàng hải sâu rộng.

Việc tham gia vào các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho phép các bên phối hợp tốt hơn các lợi ích tương ứng trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược này. Các sáng kiến liên quan đến kết nối, chẳng hạn như Dự án Vận tải Quá cảnh Đa phương thức Kaladan trị giá 484 triệu USD nối Ấn Độ với Myanmar và Đường cao tốc ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan, là những ví dụ về những gì hợp tác ASEAN-Ấn Độ có thể đạt được trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Giáo sư Syed Munir Khasru, Chủ tịch của Tổ chức Tư vấn quốc tế IPAG Châu Á-Thái Bình Dương, Australia nhận định, mức độ tham gia của Ấn Độ vẫn bị hạn chế bởi những rào cản về nguồn lực và lo ngại rủi ro, khiến nước này không thể đóng vai trò lớn hơn trong khu vực khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mở rộng trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Có sự không phù hợp giữa cam kết của Ấn Độ trong việc duy trì “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và vai trò hạn chế của nước này với tư cách là nhà cung cấp an ninh trong việc đảm bảo trật tự dựa trên quy tắc khu vực.

Việc ông Modi tái đắc cử có thể sẽ khiến việc hợp tác kinh tế có tầm quan trọng lớn hơn khi Ấn Độ cố gắng định vị mình là một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc về đầu tư và sản xuất theo các chương trình khuyến khích liên kết sản xuất của chính phủ. Động lực mới cũng có thể được tạo ra để mở rộng các hiệp định hợp tác kinh tế với ASEAN, bao gồm cả những cam kết của Ấn Độ về tự do hóa khu vực dịch vụ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, ông Khasru cho biết thêm, các cam kết hàng hải, các hoạt động chung như tập trận hải quân giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, xây dựng năng lực của các lực lượng hải quân ASEAN chỉ là một số lĩnh vực có thể tăng cường hợp tác. Khi Ấn Độ mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình, thì nước này sẽ tập trung nhiều hơn vào ngoại giao quốc phòng cũng như chia sẻ các thông tin tình báo với các đối tác thân thiện của ASEAN.

New Delhi cũng có thể xem xét thành lập các trung tâm hàng hải chiến lược hoặc các cơ sở hậu cần trên khắp Đông Nam Á. Các cuộc đàm phán để thành lập căn cứ ở Vịnh Cam Ranh của Việt Nam và Đảo Sabang của Indonesia có thể mang lại kết quả trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Modi. Đồng thời, Ấn Độ cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển quyền lực mềm của mình trên khắp Đông Nam Á, thông qua mở rộng trao đổi văn hóa, liên kết giáo dục và các chương trình hỗ trợ phát triển.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: