Điểm tin

Đông Nam Á tiếp tục là "điểm sáng" thu hút đầu tư toàn cầu

01 tháng 07. 2024

Ngày càng nhiều các nhà đầu tư tập trung vào các quốc gia tại Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia khi chuỗi cung ứng dần dịch chuyển khỏi Trung Quốc

Theo Nikkei Asia, công ty quản lý bất động sản niêm yết tại Singapore, CapitaLand Investment  đang có kế hoạch đầu tư tới 110 triệu đô la Mỹ tại Việt Nam để xây dựng hoặc mua lại các nhà máy công nghiệp sau khi chuỗi cung ứng dần dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Theo bà Patricia Goh, Giám đốc điều hành phụ trách đầu tư Đông Nam Á, dự kiến CapitalLand sẽ đầu tư thêm khoảng 73 triệu đến 110 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam trong hai năm tới. Ngoài Việt Nam, công ty này đang có kế hoạch đầu tư vào Malaysia và Thái Lan trong bối cảnh ASEAN đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. 

Giám đốc điều hành CapitaLand cho biết thêm, các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đang để mắt đến Việt Nam như một địa điểm sản xuất tiềm năng, trong khi các nhà sản xuất điện tử, chẳng hạn như các nhà sản xuất từ Hàn Quốc, cũng đang nỗ lực mở rộng hoạt động sản xuất tại quốc gia này.

Dự đoán về sự dịch chuyển này, bà Goh cho biết công ty đang tìm kiếm thuê đất tại Việt Nam để xây dựng nhà máy mới hoặc tìm kiếm cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện có để bổ sung vào danh mục đầu tư của mình. Sau đó, công ty này sẽ cho các doanh nghiệp sản xuất thuê lại.

Trước mắt, công ty đã có một mạng lưới khách hàng tiềm năng lớn từ thị trường Trung Quốc. Tại quốc gia này, CapitaLand đã sở hữu và quản lý 6 công ty về hậu cần và 11 khu công nghiệp, đồng thời cho biết thêm có hơn 7.000 đơn vị thuê và khách hàng.

Kế hoạch đầu tư này cũng cho thấy, CapitaLand Investment đang phải đối mặt với những thách thức tại Trung Quốc. Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đã giảm 79% vào năm ngoái xuống còn 181 triệu đô la Singapore, chủ yếu là do giá cho thuê hạ tầng cơ sở giảm mạnh.

Bà Goh cho biết tại Malaysia, công ty dự kiến sẽ đầu tư khoảng 300 triệu đô la Singapore vốn trong một đến hai năm tới vào các tài sản công nghiệp, hậu cần và chăm sóc sức khỏe và khả năng doanh nghiệp này sẽ tham gia vào một đặc khu kinh tế ở Johor mà chính phủ Malaysia và Singapore đang cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng công ty vẫn đang nằm trong giai đoạn đầu của việc khám phá tính khả thi.

Khi đặc khu kinh tế mở cửa, đó là một lĩnh vực khác mà chúng tôi sẽ tập trung và xem liệu chúng tôi có thể xây dựng một khu công nghiệp khác hay không", bà nói.

Hiện nay, Đông Nam Á đã trở thành khu vực tâm điểm khi các ngành công nghiệp tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để vượt qua căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và tăng trưởng đang chậm lại. "Nếu chúng ta nghĩ về việc các công ty muốn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, lựa chọn hợp lý sẽ là Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Thái Lan cũng là điểm đến khá được ưa chuộng của một số nhà đầu tư", bà Goh cho biết thêm.

Sau nhiều thập kỷ đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản, Đông Nam Á đang thu hút nhiều nhà đầu tư trên thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. Theo truyền thống, khu vực này chào đón đầu tư từ phương Tây, nhưng ngày càng nhiều các doanh nghiệp và công ty lớn ở châu Á cũng hướng sự chú ý đến các nước gia Đông Nam Á. 

"Các quốc gia như Singapore và Malaysia phần lớn trung lập với những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ, Ukraine và Nga", Sean Lim, đối tác quản lý tại NWD Holdings có trụ sở tại Singapore cho biết. 

Chuyên gia này cũng chỉ ra, với lực lượng lao động ngày càng tăng của khu vực đang biến ASEAN trở thành một lựa chọn thay thế khả thi cho Trung Quốc. Khi các chính phủ trong khu vực thúc đẩy cải thiện giáo dục và cơ sở hạ tầng, nơi đây đã trở thành một địa điểm hấp dẫn từ sản xuất và trung tâm dữ liệu đến nghiên cứu và thiết kế.

"Các chính phủ ủng hộ đầu tư xuyên biên giới và có nguồn nhân tài dồi dào", chuyên gia này cho biết và khuyến nghị Đông Nam Á nên nắm bắt cơ hội này để trở thành động lực tăng trưởng tiếp theo của thế giới".

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: