Điểm tin

Nhiều nước ASEAN tìm cách ứng phó hàng giá rẻ Trung Quốc

02 tháng 08. 2024

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách đối phó khi hàng hóa giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc tràn vào khu vực.

Theo Nikkei Asia, khoảng 49.000 công nhân trong ngành dệt may và giày dép của Indonesia đã bị sa thải trong năm nay vì các nhà máy đã đóng cửa tại các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java.

Đáp lại lời kêu gọi của các nhà sản xuất dệt may, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan vào tháng 6 cho biết chính phủ nước này sẽ xem xét áp thuế lên tới 200% đối với vải nhập khẩu. Các mức thuế mới cũng đang được xem xét để giải quyết tình trạng nhập khẩu gốm sứ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử tăng đột biến.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang có động thái gia tăng rào cản đối với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

Vào tháng 1, Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (108 USD). Thái Lan cũng sẽ áp đặt 7% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các giao dịch mua hàng có giá trị dưới 1.500 baht (42 USD).

"Hơn 15% GDP của Thái Lan phụ thuộc vào sự tham gia của Trung Quốc", Aat Pisanwanich, một chuyên gia thương mại quốc tế trước đây làm việc tại Phòng Thương mại Thái Lan cho biết và nhấn mạnh Thái Lan cần khách du lịch Trung Quốc, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để xuất khẩu sản phẩm và cần nguồn vốn FDI từ Trung Quốc".

Đối với các chính phủ Đông Nam Á, làn sóng sản phẩm Trung Quốc giá rẻ đang gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong khi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất trong nước đang tìm cách thoát khỏi những gì họ coi là cạnh tranh không lành mạnh, thì các quan chức chính phủ lại đang nỗ lực thu hút các công ty Trung Quốc đầu tư vào sản xuất trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Việc cân bằng các ưu tiên này trở nên khó khăn hơn khi tình trạng suy thoái kinh tế lan rộng tại Trung Quốc, làm giảm nhu cầu xuất khẩu của Đông Nam Á và khiến các công ty Trung Quốc phải bán tháo hàng tồn kho với giá cực thấp. Điều này đang làm gia tăng mất cân bằng thương mại của Đông Nam Á với Trung Quốc, thúc đẩy thêm các lời kêu gọi hành động của chính phủ đối với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Theo tính toán của các nhà kinh tế thuộc Goldman Sachs, năm ngoái, Đông Nam Á và các thị trường châu Á mới nổi khác đã tiếp nhận khoảng một phần ba lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc, mặc dù chúng chỉ chiếm 1/10 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

"Trung Quốc coi đầu tư vào các quốc gia khác là một chiến lược phòng ngừa rủi ro", ông Charles Austin Jordan, một nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của công ty nghiên cứu chính sách Rhodium Group của Hoa Kỳ cho biết. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này đã làm giảm nhu cầu từ Trung Quốc đối với nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian từ Đông Nam Á, trong khi tăng lưu lượng các sản phẩm đó theo hướng ngược lại.

Trong nhiều trường hợp, các sản phẩm cuối cùng được chuyển đến các thị trường phương Tây. Kim ngạch xuất khẩu của Đông Nam Á sang Mỹ đã vượt kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà kinh tế HSBC, đối với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, sự dịch chuyển này lại có lợi. "Với sự trợ giúp của thương mại với Trung Quốc, ảnh hưởng của ASEAN đối với thương mại toàn cầu cũng đang sâu sắc hơn, mặc dù các chính phủ phương Tây sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn chuỗi cung ứng", các chuyên gia này cho biết.

Mỹ đã áp dụng lại mức thuế lên tới 250% đối với tấm pin mặt trời do các công ty Trung Quốc sản xuất tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan...

Các quốc gia châu Á khác bên ngoài ASEAN cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Hàn Quốc đã ghi nhận thâm hụt thương mại đầu tiên với Trung Quốc sau 31 năm vào năm 2023.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: