Báo cáo hợp tác thường niên của Google, Temasek và Bain vừa công bố cho thấy nền kinh tế số Đông Nam Á đã thu về 11 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2024, tăng 24% so với năm 2023 và gấp 2,5 lần so với năm 2022.
Báo cáo hợp tác thường niên e-Conomy SE 2024 của Google, Temasek và Bain vừa công bố cho thấy nền kinh tế số Đông Nam Á đã thu về 11 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2024, tăng 24% so với năm 2023 và gấp 2,5 lần so với năm 2022.
Dù con số này chỉ chiếm 12% tổng doanh thu 89 tỷ USD của ngành, nhưng vẫn cho thấy sự tăng trưởng bền vững trong ba năm liên tiếp với mức thặng dư hai con số, vượt qua hình ảnh về các khoản lỗ phổ biến trong các công ty khởi nghiệp và ngay cả những “ông lớn” công nghệ.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp truyền thông trực tuyến dẫn đầu trong việc tăng tỷ suất lợi nhuận nhờ sự bùng nổ của các dịch vụ phát trực tuyến video và âm nhạc, trò chơi trực tuyến và nội dung video độc quyền. Các cổng thông tin du lịch cũng tiếp tục mở rộng lợi nhuận trong năm thứ hai liên tiếp bằng cách tăng phí hoa hồng và cung cấp thêm các dịch vụ như tour du lịch có hướng dẫn và cho thuê xe.
Dù vẫn đang trong tình trạng thua lỗ, các ứng dụng thương mại điện tử, vận tải và giao đồ ăn đã giảm thiểu thua lỗ nhờ tăng cường các chiến lược tiếp thị, ra mắt sản phẩm mới và cắt giảm các ưu đãi dành cho khách hàng và tài xế.
Báo cáo này bao gồm các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, với tổng dân số 612 triệu người, gần gấp đôi dân số Hoa Kỳ.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu và nguồn vốn đầu tư vào ngành có phần chững lại so với năm 2023, ông Florian Hoppe, chuyên gia cấp cao của Bain & Company, vẫn dự báo rằng các công ty số trong khu vực sẽ đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) 295 tỷ USD vào năm 2025.
GMV là tổng giá trị hàng hóa được bán giữa khách hàng hoặc từ các nền tảng thương mại điện tử, nhưng không bao gồm các khoản phí và khấu trừ như phiếu giảm giá.
Phát biểu tại buổi hội thảo công bố báo cáo vào ngày 5/11, ông Hoppe cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các lĩnh vực đang hoạt động rất tốt, và nếu không có sự kiện kinh tế vĩ mô lớn nào xảy ra, thị trường đang đi đúng hướng.”
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo nền kinh tế số Đông Nam Á sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, gần gấp bốn lần so với con số 263 tỷ USD của năm 2024.
Bà Sapna Chadha, Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Google, nhấn mạnh: “Nền kinh tế số Đông Nam Á được củng cố bởi các yếu tố vĩ mô mạnh mẽ.” Bà cho biết, GDP của khu vực dự kiến tăng trưởng 4,5% trong ba năm tới, tương đương với mức tăng trưởng của Trung Quốc và cao hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Ngoại trừ Việt Nam và Malaysia, lạm phát tại bốn thị trường còn lại trong báo cáo dự kiến sẽ giảm trong năm 2024. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng 19% và chi tiêu tiêu dùng tăng 8% trong ba tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước.
Google nhấn mạnh thương mại video, như các buổi livestream bán hàng, đã tăng trưởng gấp bốn lần trong hai năm qua, góp phần vào sự phục hồi của lĩnh vực thương mại điện tử.
Bà Chadha cho biết: “Người tiêu dùng Đông Nam Á hiện nay thường xem video trước khi mua sắm, cho thấy sự thay đổi lớn trong thói quen mua hàng.”
Lĩnh vực tài chính số cũng ghi nhận sự phát triển với việc gia tăng sử dụng mã QR và các giải pháp tín dụng qua ứng dụng. Báo cáo dự đoán đà tăng trưởng sẽ tiếp tục nhờ mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán, cải thiện quy trình đánh giá rủi ro, và nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các dịch vụ bảo hiểm và quản lý tài sản trực tuyến.
Dù vậy, tình hình gọi vốn cho các công ty công nghệ trong khu vực có phần chững lại do lãi suất cao, căng thẳng toàn cầu và các cuộc xung đột. Báo cáo cho biết, GMV của kinh tế số Singapore đạt 29 tỷ USD trong năm 2024, tăng 13%, thấp hơn mức tăng trưởng 15% của khu vực.
Tuy nhiên, ông Fock Wai Hoong, đại diện Temasek, vẫn lạc quan: “Trong năm 2023, các công ty không thuộc nhóm công nghệ lớn đã huy động được khoảng 7 tỷ USD, cao hơn mức 6 tỷ USD của năm 2019. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy môi trường đầu tư đang dần ổn định.”
Ông Fock cũng cho biết, các lĩnh vực như phần mềm và công nghệ bền vững đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á đang đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) với hơn 30 tỷ USD được cam kết trong nửa đầu năm 2024, trong đó Singapore chiếm 9 tỷ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu sẵn sàng cho AI.
“Việc xây dựng các trung tâm dữ liệu AI không chỉ đơn thuần là nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có, mà đòi hỏi các tiêu chuẩn hoàn toàn mới về làm mát và tiêu thụ năng lượng,” ông Fock nhận định. Đây là cơ hội lớn cho Đông Nam Á trong việc đón đầu xu hướng công nghệ AI trong tương lai./.
Nguồn: Cổng thông tin ASEAN
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: