Bộ trưởng Điều phối Lương thực Zulkifli Hasan cho biết, hạn ngạch nhập khẩu năm 2025 đối với 3 mặt hàng này sẽ thấp hơn nhiều so với nhu cầu dự kiến của các ngành công nghiệp địa phương.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, năm 2025, Indonesia đặt mục tiêu cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu ngô, muối và đường, như một phần trong nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước sử dụng nhiều sản phẩm nội địa hơn.
Ngày 10/12, Bộ trưởng Điều phối Lương thực Zulkifli Hasan cho biết, hạn ngạch nhập khẩu năm 2025 đối với 3 mặt hàng này sẽ thấp hơn nhiều so với nhu cầu dự kiến của các ngành công nghiệp địa phương.
Năm 2024, nhu cầu ngô công nghiệp của Indonesia ước tính khoảng 1,6-1,7 triệu tấn, nhưng hạn ngạch nhập khẩu ngô năm tới chỉ ở mức 900.000 tấn. Điều đó buộc Indonesia phải cải thiện chất lượng sản xuất ngô để phục vụ các ngành công nghiệp trong nước.
Theo Bộ trưởng Zulkifli Hasan, Indonesia vẫn sẽ nhập khẩu muối công nghiệp trong 2 năm tới, nhưng với hạn ngạch giảm. Hạn ngạch nhập khẩu muối công nghiệp cho ngành clo-kiềm sẽ là 1,7 triệu tấn vào năm 2025, tương đương 68% nhu cầu dự kiến là 2,5 triệu tấn. Indonesia phấn đấu sau 2 năm nữa sản xuất muối công nghiệp trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu.
Đối với đường công nghiệp, chính phủ Indonesia đã đặt ra hạn ngạch nhập khẩu là 3,45 triệu tấn, thấp hơn mức nhập khẩu trung bình những năm trước là 5- 6 triệu tấn/năm.
Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, năm 2024, nhu cầu công nghiệp đối với đường thô nhập khẩu đạt 4,77 triệu tấn, trong đó 3,46 triệu tấn được chế biến thành đường tinh luyện trong nước.
Số liệu của Cục Thống kê Indonesia (BPS) năm 2024 cho thấy nước này đã phải nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng thực phẩm chính, bao gồm gạo, đường, đậu tương và ngô. Riêng lượng gạo nhập khẩu lên tới 3,23 triệu tấn, tiếp theo là đường với 3,66 triệu tấn, đậu tương với 2,16 triệu tấn và ngô với 970.000 tấn.
So với khối lượng nhập khẩu trong 9 tháng năm 2023, gạo tăng vọt tới 80,68%, đậu tương tăng 15,64% và ngô tăng 44,97%, cho thấy nước này vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu các mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Nguồn: Bnews
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: