Điểm tin

Hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN: Khai phá tiềm năng tăng trưởng

21 tháng 02. 2025

Hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN nổi lên như một điểm sáng, không chỉ củng cố quan hệ đối tác chiến lược mà còn mở ra những chân trời mới cho tăng trưởng.

Động lực tăng trưởng mới

Theo tạp chí Thế giới đương đại của Trung Quốc, tháng 10/2024, tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 27, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tuyên bố kết thúc đàm phán về Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0, ban hành "Tuyên bố chung Trung Quốc-ASEAN về việc hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.0" và đề xuất hai bên phấn đấu ký chính thức "Nghị định thư nâng cấp hơn nữa Hiệp định khung Trung Quốc-ASEAN về hợp tác kinh tế toàn diện và một số thỏa thuận kèm theo" vào năm 2025.

Trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN hiện có và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), phiên bản nâng cấp của Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0 sẽ mở rộng toàn diện hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực mới nổi của khu vực, tăng cường kết nối giữa hai bên về tiêu chuẩn và quy chế, thiết lập các thỏa thuận về cơ chế cho phát triển hợp tác kinh tế-thương mại khu vực chất lượng cao, điều này cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển chất lượng cao của hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-ASEAN.

Vào những năm 1990, sau khi quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN hoàn toàn bình thường hóa, quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã được nâng cấp từ quan hệ đối thoại lên đối tác đối thoại toàn diện, sau đó là quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hợp tác kinh tế thương mại đã trở thành nền tảng của quan hệ song phương Trung Quốc-ASEAN.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, vị thế của hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN trong xây dựng mô hình phát triển mới tiếp tục được nâng cao. Đẩy nhanh phát triển hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN chất lượng cao đã trở thành lựa chọn chiến lược cho hợp tác kinh tế thương mại đối ngoại của Trung Quốc trong hoàn cảnh mới.

Một là, phát triển hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN chất lượng cao là yêu cầu của thời đại để ứng phó với những thay đổi của tình hình quốc tế và khu vực. Hợp tác kinh tế thương mại đối ngoại của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình hình và môi trường quốc tế mới. Hiện nay, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai bên đang phát triển nhanh chóng và hợp tác trong nhiều lĩnh vực đang ngày càng sâu sắc.

Hai là, phát triển hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN chất lượng cao là con đường quan trọng để Trung Quốc xây dựng mô hình phát triển mới vòng tuần hoàn kép trong nước và quốc tế. Trong tình hình trong nước và quốc tế mới, Trung Quốc đã tích cực điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế, đề xuất đẩy nhanh xây dựng mô hình phát triển mới lấy vòng tuần hoàn trong nước làm chủ đạo, vòng tuần hoàn trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau. Trong vòng tuần hoàn quốc tế, cùng với việc đẩy nhanh quá trình tái thiết chuỗi giá trị toàn cầu, mô hình kinh tế thương mại đối ngoại của Trung Quốc đã xuất hiện những thay đổi.

Trung Quốc-ASEAN: Cơ hội và thách thức

Cùng với việc không ngừng nâng cấp Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN, hai bên tiếp tục mở rộng thị trường và hội nhập kinh tế sâu sắc hơn. Tiến trình chuyển đổi và nâng cấp ngành nghề đang được đẩy nhanh, từ đó cung cấp điều kiện thị trường, không gian công nghiệp và khuôn khổ thể chế cho sự phát triển chất lượng cao của hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN.

Thứ nhất, thị trường quy mô siêu lớn Trung Quốc-ASEAN cung cấp điều kiện thị trường cho sự phát triển chất lượng cao của hợp tác kinh tế thương mại khu vực. Cùng với sự trỗi dậy của nền kinh tế khu vực Trung Quốc-ASEAN và sự phát triển nhanh chóng của hội nhập kinh tế khu vực, khu vực này đã dần hình thành một thị trường có quy mô cực lớn trên thế giới và đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế thế giới không ngừng tăng lên. Đồng thời, sự phát triển chất lượng cao của hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN khiến hai bên gia tăng ảnh hưởng lẫn nhau.

Thứ hai, quá trình chuyển đổi và nâng cấp ngành nghề của Trung Quốc và ASEAN đã mở rộng không gian ngành nghề cho phát triển chất lượng cao hợp tác kinh tế thương mại khu vực. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang trỗi dậy, Trung Quốc và các nước ASEAN đã xây dựng các mục tiêu chiến lược và định hướng chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển số hóa các ngành, cũng như chuyển đổi xanh và carbon thấp cơ cấu năng lượng và các ngành công nghiệp truyền thống.

Bước vào thời kỳ mới, Trung Quốc đã đề ra chiến lược phát triển đồng bộ số hóa và xanh hóa, coi chuyển đổi số và xanh là biện pháp quan trọng để phát triển chất lượng cao và nâng cấp chuyển đổi công nghiệp. Đồng thời, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng số, công nghiệp số, ô tô năng lượng mới, và năng lượng tái tạo tại các nước ASEAN, tạo ra các dự án trọng điểm mang hiệu ứng hình mẫu.

Các nước ASEAN đã đưa ra các chiến lược và chính sách như Indonesia triển khai lộ trình "Công nghiệp 4.0"; Malaysia công bố "Chính sách quốc gia về Công nghiệp 4.0", "Kế hoạch công nghiệp mới 2030", "Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia" và "Kế hoạch công nghệ và nền kinh tế hydro"; Singapore ra mắt "Kế hoạch chuyển đổi công nghiệp 2025", "Kế hoạch phát triển xanh Singapore 2030" và "Chiến lược năng lượng hydro quốc gia"; Thái Lan thực hiện chiến lược "Thái Lan 4.0" và "Kinh tế sinh học - Kinh tế tuần hoàn - Kinh tế xanh" (BCG); Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia về "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030" và "Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2025"… Quá trình chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp theo hướng số hóa và xanh của Trung Quốc và ASEAN sẽ mang lại cơ hội mới cho sự phát triển chất lượng cao của hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN và mở rộng đáng kể không gian phát triển công nghiệp.

Thứ ba, phiên bản nâng cấp của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0 đã thiết lập khuôn khổ thể chế cho sự phát triển chất lượng cao của hợp tác kinh tế thương mại khu vực. Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN là khu vực thương mại tự do đầu tiên mà Trung Quốc thành lập với nước ngoài, hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2010, hai bên đã hoàn thành thỏa thuận nâng cấp Khu thương mại tự do lên phiên bản 2.0 vào năm 2017 và triển khai toàn diện vào năm 2019. Hiện nay, các cuộc đàm phán về phiên bản nâng cấp của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0 đã kết thúc.

Trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN ban đầu và RCEP, phiên bản nâng cấp của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0 bao gồm 9 lĩnh vực, cả các lĩnh vực hiện có và mở rộng sang các lĩnh vực mới nổi, qua đó sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng và mức độ hợp tác thương mại giữa hai bên.

Thỏa thuận này thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thanh toán điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân, tiêu chuẩn thương mại kỹ thuật số, thương mại không giấy tờ và an ninh mạng; xác định 8 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm thương mại xanh, đầu tư và tiêu chuẩn, để thúc đẩy trao đổi chính sách cũng như thúc đẩy hợp tác công nghiệp xanh... Do đó, phiên bản nâng cấp của Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN 3.0 sẽ cung cấp khuôn khổ chính sách hiệu quả và sự bảo đảm thể chế mạnh mẽ cho sự phát triển chất lượng cao của hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên.

Nguồn: Báo Công Thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: