Theo các chuyên gia, mức thuế quan cao của Mỹ đối với pin mặt trời từ Đông Nam Á có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại khu vực này.
Các chuyên gia nhận định rằng mức thuế quan cao mà Mỹ dự kiến áp lên tấm pin mặt trời sản xuất tại Đông Nam Á có thể là cơ hội để khu vực này đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng vốn đã bị trì hoãn từ lâu.
Đầu tháng này, Mỹ đã công bố kế hoạch áp thuế cao lên các tấm pin mặt trời sản xuất tại Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sau một thời gian điều tra.
Cuộc điều tra đã được khởi động từ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Nếu được phê duyệt vào tháng tới, chúng sẽ được cộng dồn vào các mức thuế đã được chính quyền Tổng thống Trump áp đặt trước đó, bao gồm thuế suất 10% đối với hầu hết các quốc gia và 145% đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Đối với thị trường Mỹ, hậu quả từ chính sách này có thể sẽ rất nghiêm trọng.
Ông Putra Adhiguna, Giám đốc điều hành tại Viện nghiên cứu Energy Shift Institute, nhận định rằng các mức thuế mới này thực tế sẽ khiến việc xuất khẩu pin mặt trời sang Mỹ trở nên bất khả thi về mặt thương mại. Trung Quốc hiện sản xuất 80% tấm pin mặt trời trên toàn cầu và kiểm soát 80% mọi công đoạn của quy trình sản xuất.
Trong khi đó, Đông Nam Á chiếm gần 80% lượng pin mặt trời nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2024. Mặc dù đầu tư vào sản xuất pin mặt trời đã tăng lên ở Mỹ trong những năm gần đây, thị trường này vẫn phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Ben McCarron, Giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu thị trường Asia Research & Engagement, giải thích rằng vẫn có một tia hy vọng cho khu vực Đông Nam Á. Theo ông, cuộc chiến thuế quan và thương mại có khả năng sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở đây vì Trung Quốc sẽ tăng cường thúc đẩy triển khai các kế hoạch chính sách tại khu vực này, tạo điều kiện cho việc áp dụng nhanh chóng năng lượng xanh.
Giới phân tích từ lâu đã cảnh báo rằng các quốc gia Đông Nam Á đang rất chậm trong việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch như than đá. Viện nghiên cứu năng lượng Ember đã nhận định rằng với tốc độ hiện tại, khu vực này có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội do chi phí năng lượng gió và mặt trời giảm.
Một ví dụ được đưa ra là Malaysia. 80% sản lượng điện của nước này hồi năm ngoái đến từ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng Malaysia chỉ đặt mục tiêu đạt 24% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, một tỷ lệ bị xem là chưa đủ tham vọng.
Ông Muyi Yang, nhà phân tích năng lượng cấp cao tại Ember, giải thích đây là cơ hội kép cho ngành điện mặt trời của khu vực Đông Nam Á. Theo ông, ngành này trước đây chủ yếu tập trung xuất khẩu. Khi bị chặn ở thị trường Mỹ, các công ty trong ngành có thể tập trung vào chuyển đổi năng lượng trong nước, thúc đẩy thị trường nội địa và tạo "hàng rào tự nhiên chống lại biến động bên ngoài."
Dù vậy, việc thay thế thị trường Mỹ không dễ dàng do quy mô lớn và năng lượng tái tạo trong khu vực còn non trẻ. Ông Yang nhấn mạnh sự thành công còn phụ thuộc vào việc các nước biến động lực xuất khẩu thành một cuộc cách mạng công nghệ sạch tự thân.
Ông Adhiguna cũng lưu ý rằng dù hàng hóa giá rẻ có thể hấp dẫn, nhiều quốc gia như Indonesia, Ấn Độ đã có biện pháp bảo hộ và sẽ không muốn nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm pin mặt trời. Những nước này sẽ ưu tiên cán cân thương mại và mục tiêu tạo việc làm xanh cho địa phương hơn./.
Nguồn: Vietnam+
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: