Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay. Quyết định này được đưa ra nhờ sản lượng gạo nội địa tăng mạnh và kho dự trữ gạo dồi dào...
Dự trữ gạo của Indonesia đạt mức cao kỷ lục
Số liệu của Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bapanas), cho biết lượng gạo dự trữ của nước này đã đạt 3,1 triệu tấn, mức cao kỷ lục. Việc tăng cường dự trữ gạo quốc gia là một trong những cơ sở tạo đà cho Indonesia đạt được mục tiêu tự cung tự cấp lương thực.
Tăng sản lượng lương thực quốc gia vẫn là ưu tiên hàng đầu của Indonesia cùng với các nỗ lực cải thiện phúc lợi cho nông dân.
Indonesia chủ trương xây dựng an ninh lương thực quốc gia dựa trên trên các nguyên tắc độc lập và chủ quyền, với tính sẵn có, khả năng chi trả và khả năng tiếp cận. Tất cả đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là tự cung tự cấp lương thực.
Nhờ những nỗ lực phối hợp từ các bộ ngành liên quan, Indonesia dự kiến sẽ có thặng dư gạo là 1,68 triệu tấn cho đến tháng 5/2025. Điều này có được là nhờ Indonesia đã duy trì được 6,61 triệu ha diện tích trồng lúa như hiện nay.
Câu hỏi đặt ra là với dự trữ gạo cao kỷ lục và Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay có tác động gì đến gạo Việt?. Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, chắc chắn là sẽ có tác động nhưng không quá nhiều do Indonesia chủ yếu nhập khẩu gạo cấp thấp của chúng ta.
Nguồn gạo cấp thấp này của Việt Nam cho đến nay không dư thừa nhiều. Gạo Việt Nam bán cho thị trường Indonesia là gạo thuộc phân khúc giá thấp, loại gạo này đang phải cạnh tranh với gạo của Ấn Độ khá gay gắt, do đó, gạo Ấn Độ mới bị ảnh hưởng nhiều.
Hạt gạo Việt Nam hiện có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Rõ ràng là gạo Việt có nhiều thị trường tốt, trong đó, xuất khẩu sang thị trường châu Phi, Trung Đông, Hoa Kỳ, thậm chí là cả Trung Quốc đang khá tốt… Việc Indonesia lên kế hoạch có thể ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay không quá đáng ngại đối với gạo Việt, chúng ta có thể chủ động ứng phó.
Giá gạo Việt vẫn vững, nguồn cung ngắn hạn tương đối hạn chế
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam tính đến ngày 15/5 dao động từ 398 - 402 USD/tấn, cao hơn so với mức giá của Ấn Độ (382 - 386 USD/tấn) và Pakistan (389 – 393 USD/tấn). Đây được xem là mức giá cao nhất kể từ tháng 4 đến nay.
Trên thị trường xuất khẩu đến hôm nay (17/5), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng giá so với hôm qua. Hiện gạo tiêu chuẩn 5% vẫn ở mức 397-398 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 368 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 321 USD/tấn.
Vụ Đông Xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm đã bước vào giai đoạn cuối, lượng lúa còn lại trên đồng chỉ khoảng 10 - 15%. Trong khi đó, vụ Hè Thu dự kiến đến tháng 7 - 8 mới bắt đầu thu hoạch, khiến nguồn cung trong ngắn hạn tương đối hạn chế.
4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 3,4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,76 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân là do giá xuất khẩu bình quân giảm khoảng 20%, xuống còn khoảng 517 USD/tấn.
Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với mức nhập khẩu ổn định từ 3 - 4 triệu tấn mỗi năm. Dự báo năm 2025, nước này sẽ nhập khoảng 4,35 triệu tấn gạo từ Việt Nam.
Ngoài ra, những thị trường tiềm năng như Bờ biển Ngà, Ghana và đặc biệt là Bangladesh đang gia tăng nhập khẩu gạo Việt. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Bangladesh tăng đột biến gần 518 lần so với cùng kỳ, cho thấy sức hút từ chất lượng và chủng loại gạo ngày càng đa dạng của Việt Nam.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 17/5/2025 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ít biến động.
Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, hiện gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 8.300 - 8.400 đồng/kg; gạo nguyên liệu CL 555 dao động ở mức 8.800 - 8.900 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 dao động ở mức 8.000 - 8.100; gạo nguyên liệu OM 18 dao động ở mức 10.200 - 10.400 đồng/kg; gạo nguyên liệu 5451 dao động ở mức 9.600 - 9.750/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 - 9.700 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, hiện giá lúa Đài Thơm 8 (tươi) giảm 200 đồng.kg dao động ở mốc 6.800 - 7.000/kg; giá lúa OM 18 (tươi) giảm 200 đồng/kg dao động ở mốc 6.800 - 7.000 đồng/kg; giá lúa IR 50404 (tươi) dao động ở mức 5.300 - 5.500 đồng/kg; giá lúa OM 380 (tươi) dao đồng ở mốc 5.400 - 5.600 đồng/kg; giá lúa OM 5451 (tươi) dao động mốc 5.900 - 6.200/kg;giá lúa OM 380 (tươi) dao đồng ở mốc 5.500 - 5.800 đồng/kg; giá lúa Nàng Hoa 9 dao động ở mức 6.650 - 6.750 đồng/kg.
Trong báo cáo vừa phát hành về lĩnh vực lương thực toàn cầu, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo: Việt Nam có thể sẽ đồng thời trở thành nhà nhập khẩu và xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới trong năm nay và cả năm sau-năm 2026.
Theo đó, cơ quan này dự báo thương mại gạo toàn cầu tiếp tục gia tăng trong năm 2025 và 2026 với sản lượng trên 60 triệu tấn. Trong số những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, Việt Nam được dự báo với lượng nhập có thể đạt tới 4 triệu tấn trong năm 2025 và 4,1 triệu tấn trong năm 2026. Việt Nam có thể trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới do diện tích gieo trồng bị thu hẹp và tăng nhu cầu nhập khẩu từ Campuchia.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có thể sẽ vượt qua Thái Lan để thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới trong năm 2025. Việt Nam ước xuất khẩu đến 7,9 triệu tấn gạo so với 7 triệu tấn của Thái Lan và của Ấn Độ lên tới 24 triệu tấn gạo. Thị trường truyền thống Philippines và việc nhập khẩu gạo trở lại của Trung Quốc đối với gạo Việt là cơ sở của các dự báo trên.
Và nhiều lần các chuyên gia từ VFA đã giải thích: Việt Nam tăng nhập khẩu gạo không phải vì thiếu gạo mà chủ yếu nhập gạo để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và một phần để chế biến sản phẩm sau gạo trong nước như bún, miến, phở... Nhiều sản phẩm bún, miến, phở của Việt Nam sau đó cũng được xuất khẩu lẫn tiêu dùng trong nước.
Dự báo của USDA cũng gần phù hợp với dự báo của VFA rằng, xuất khẩu gạo năm nay của ta có thể đạt 7,5 - 7,6 triệu tấn, vẫn giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn của năm 2024, nhưng nếu tăng được lượng gạo ST24, ST25, gạo thơm chất lượng cao, thì ngoại tệ từ xuất khẩu gạo của Việt Nam mang về vẫn sẽ tích cực.
Các chuyên gia cho rằng, lúc này các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phân khúc gạo cao cấp là chiến lược của các doanh nghiệp. Việc mở rộng thị trường cũng giúp tăng tính chủ động và nâng cao giá trị hạt gạo Việt. Mặt khác, các khách hàng truyền thống luôn có nhu cầu cao và ổn định với gạo Việt Nam. Đây cũng là lợi thế giúp ngành hàng lúa gạo tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Dân Việt
Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: