Điểm tin

Mở cơ hội xuất khẩu vào thị trường ASEAN cho doanh nghiệp Việt

04 tháng 07. 2025

ASEAN là thị trường tiềm năng với mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, những rào cản phi thuế quan đang ‘cản bước’ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.

Thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Việt

Chia sẻ tại một sự kiện diễn ra mới đây, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Nhiều năm qua, ASEAN đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam nhờ nhu cầu tiêu dùng phong phú và đa dạng của khu vực này. T

Trong đó, những mặt hàng nhiều tiềm năng, có dư địa khai thác lớn phải kể đến như gạo, rau quả, thuỷ sản, hạt tiêu, cà phê, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…

Hiện hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường ASEAN đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiệp định này đã tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và thủ tục hải quan, giúp dễ dàng vận chuyển hàng hóa trong khu vực.

“Đây là một thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang các quốc gia thành viên ASEAN” – ông Tô Việt Châu khẳng định.

Cũng theo nhận định của ông Tô Việt Châu, Việt Nam hiện còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản vào thị trường ASEAN do có các lợi thế lớn như: Thuận lợi về mặt địa lý giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí lưu kho bãi…

“Nhất là trong bối cảnh các chi phí logistics đi các khu vực thị trường Mỹ, châu Âu... ngày càng tăng cao, thì ưu tiên xuất khẩu sang các thị trường gần gũi, nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản là lựa chọn hợp lý của nhiều doanh nghiệp”, ông Tô Việt Châu nhấn mạnh.

Đặc biệt, đối với khu vực thị trường này, doanh nghiệp cũng có nhiều lựa chọn phương thức vận chuyển hàng hóa như: Vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không, tạo sự linh hoạt trong giao thương, đưa hàng hóa đến với đối tác nhanh chóng và bảo đảm chất lượng.

Gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ông Tô Việt Châu cho rằng, hiện các nước ASEAN đều tăng cường yêu cầu cao đối với chất lượng sản phẩm nhập khẩu, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản, gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Cũng nói về những rào cản khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN, bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho rằng, các rào cản phi thuế quan (NTBs) ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu thủy sản sang các thị trường ASEAN, với một số trở ngại chính được xác định từ nhiều nguồn khác nhau. Những rào cản này thường liên quan đến các biện pháp quy định, yêu cầu chứng nhận và tiêu chuẩn kỹ thuật làm phức tạp việc tiếp cận thị trường. 

Điển hình như biện pháp Kiểm dịch động thực vật (SPS), đây là một trong những rào cản được đề cập thường xuyên nhất đối với xuất khẩu thủy sản, bao gồm các quy định nghiêm ngặt về sức khỏe và an toàn, như yêu cầu kiểm tra, chứng nhận và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ví dụ, các quốc gia ASEAN thường áp dụng các đợt kiểm tra nghiêm ngặt và chứng nhận để đảm bảo thủy sản không bị nhiễm bẩn hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cụ thể.

Các biện pháp này có thể làm chậm trễ lô hàng, tăng chi phí và tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà xuất khẩu. Chẳng hạn, việc tuân thủ các tiêu chuẩn SPS thường yêu cầu thêm tài liệu, kiểm tra phòng thí nghiệm và tuân thủ các giao thức xử lý cụ thể, điều này đặc biệt gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu nhỏ.

Bên cạnh đó, rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) với các tiêu chuẩn và quy định về ghi nhãn sản phẩm, bao bì và thông số chất lượng. Đối với thủy sản, điều này có thể bao gồm yêu cầu về định dạng nhãn cụ thể, hệ thống truy xuất nguồn gốc hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và bền vững. 

Theo bà Lê Hằng: "TBT có thể tạo ra những rào cản đáng kể bằng cách yêu cầu các nhà xuất khẩu điều chỉnh quy trình của họ để đáp ứng các tiêu chuẩn đa dạng và đôi khi không nhất quán giữa các quốc gia ASEAN".

Đặc biệt, nhiều quốc gia ASEAN yêu cầu giấy phép nhập khẩu hoặc chứng nhận cho thủy sản, có thể chịu hạn ngạch, quy trình phê duyệt kéo dài hoặc quyết định tùy ý của cơ quan địa phương. Những yêu cầu này có thể là rào cản lớn bằng cách hạn chế tiếp cận thị trường hoặc gây chậm trễ.

Do vậy, để có thể tận dung lợi thế hiện có, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường ASEAN, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh tháo gỡ các rào cản phi thuế quan thông qua sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp Việt cũng cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm  đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cùng với đó, đa dạng hóa sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, trong đó đặc biệt là cần tìm ra điểm khác biệt trong sự tương đồng với các loại hàng hóa từ các quốc gia khác trong khu vực. Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam để cạnh tranh hiệu quả hơn tại thị trường ASEAN.

Nguồn: Kinh tế Công thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: