Điểm tin

AEC và những góc khuất

21 tháng 12. 2016

Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng các quốc gia đang mải mê và dành nhiều nguồn lực để đàm phán các hiệp định thế hệ mới mà quên mất việc thực thi cam kết đối với Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), nơi có thị trường gần gũi với Việt Nam. Dù vậy, nhiều quan điểm cho rằng, AEC có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa hẳn đã là thị trường tiêu thụ tiềm năng sản phẩm của Việt Nam.

Tiến trình thực hiện không như mong đợi

Dường như khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua thì AEC là một trong những lợi thế mà Việt Nam đang có. AEC đã chính thức thành lập vào cuối năm 2015. Đây là khu vực tạo ra một thị trường chung rộng lớn với 625 triệu người, tổng GDP gần 3.000 tỉ đô la Mỹ. Trong thị trường 10 thành viên này, năm yếu tố được lưu chuyển tự do, gồm: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động. Thuế suất của gần như tất cả mặt hàng sẽ được cắt giảm dần về 0%.

Nhìn ở con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài thì đây quả là một thị trường rất hấp dẫn, song dù đã hình thành được gần một năm song các nhà đầu tư tỏ ra thất vọng về tiến trình thực hiện cam kết trong AEC.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tuần trước, ông Lito Camacho, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse cho hay, rất ít tiến bộ đạt được trong thời gian qua. Những tiến triển lớn nhất mà ông Lito Camacho quan sát được dường như chỉ trong lĩnh vực thương mại khi nhiều dòng thuế đã giảm xuống 0%, những yếu tố khác như lao động, dịch vụ, đầu tư... thì không có nhiều thay đổi.

Đồng tình với quan điểm này, ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc khu vực ASEAN của GE, cho hay hai phần ba nguồn nhân lực của GE có công việc quốc tế, AEC nếu được thực hiện đầy đủ sẽ giúp việc điều chuyển nhân lực dễ dàng hơn từ dự án này sang dự án khác. Ông Wouter Van Wersch hối thúc các thành viên AEC nên thống nhất cao hơn để đẩy nhanh tiến độ.

Nhìn ở khía cạnh lạc quan hơn, ông Tharabodee Serng-Adichaiwit, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Ngân hàng Bangkok Bank Public (tại Việt Nam) cho hay, sau khi AEC hình thành, rất nhiều công ty Thái Lan đã tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong khối này vì họ cảm thấy môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho doanh nghiệp trong khối AEC. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam như Masan, Vinamilk, hay thậm chí Vietjet Air cũng đã bắt đầu bán sản phẩm của mình tại Thái Lan.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng thì chưa nhìn thấy nhiều thay đổi do các ngân hàng và tổ chức tài chính phải chấp nhận có những quy định và thực tiễn khác nhau giữa các thành viên trong khối. Đồng tình quan điểm này, ông Lito Camacho lý giải: “Làm sao có thể khuyến khích các ngân hàng ASEAN đầu tư vào Việt Nam khi họ cũng được đối xử giống hệt như những nhà đầu tư ngoài khu vực”.

Định lượng về tiến độ thực hiện cam kết, ông Lito Camacho cho hay, AEC mới chỉ đi được 50% chặng đường. “Tôi hy vọng, chính phủ các nước ASEAN đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết của mình vì nếu muốn hội nhập, các nhà lãnh đạo phải tạo ra được sự khác biệt giữa dòng vốn, nhân lực, dịch vụ... từ các nước ASEAN so với các quốc gia khác”.

AEC có là chìa khóa vạn năng?

Tại hội nghị trên, nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan điểm dù có hay không có TPP, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do lợi thế nội tại của mình như chính trị ổn định, ưu đãi thuế quan, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ...

Ông Roger Lee, Tổng giám đốc của TAL Apparel, cho hay nếu có TPP thì sản phẩm may mặc của TAL Apparel xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn, được hưởng lợi về thuế quan... nhưng nếu không có TPP thì Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. “Dự kiến chúng tôi sẽ đầu tư thêm 500 triệu đô la Mỹ cho dù có TPP hay không. Việc không có TPP không làm chậm quá trình chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam”.

Bên cạnh đó, nếu không có TPP thì Việt Nam cũng đã tham gia và ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do khác. Những hiệp định này sẽ mở ra không gian hợp tác và phát triển rộng lớn với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có các nước G7, 15/20 nước thuộc nhóm G20. Trong đó, các doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh tới AEC.

Song, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thương mại quốc tế cho rằng, dưới con mắt của nhà đầu tư nước ngoài AEC là một thị trường lớn, dân số trẻ với sức tiêu thụ lớn. Nếu AEC là một thị trường thống nhất như cam kết, có thể tự do di chuyển được năm yếu tố nói trên thì việc kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường này đối với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, sự kết nối AEC thành một “thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất” sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội giảm chi phí lưu chuyển các loại hàng hóa, chi phí trung gian dẫn tới giá thành phẩm sẽ thấp hơn. AEC cũng giúp các công dân Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt với những người có tay nghề, chuyên môn cao. Các nước cũng sẽ đón nhận làn sóng đầu tư và hợp tác từ các nền kinh tế lớn, phát triển bên ngoài khối.

Nhưng vì sao sự thống nhất đúng nghĩa trong khối AEC vẫn diễn ra chậm?

Ông Đỗ Hòa, chuyên gia thương mại quốc tế, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, cho rằng vẫn còn sự hoài nghi giữa các thành viên trong Cộng đồng AEC. Đối với những thành viên có sự phát triển kinh tế tương đồng, cùng sản xuất các mặt hàng tiêu dùng mang tính cạnh tranh lẫn nhau họ lo ngại nếu liên kết quá nhanh sẽ bị mất lợi thế, mất thị trường. Thực tế, những sản phẩm của các thành viên trong AEC đều hướng tới tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ và EU, thậm chí bốn con rồng châu Á lớn mạnh được nhờ thị trường Hoa Kỳ.

Ngoài ra, tuy gần gũi về mặt địa lý nhưng nội khối còn tồn tại những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc... Do đó, để các thành viên có sự liên kết chặt chẽ với nhau, trở thành một khối thống nhất đúng nghĩa là điều vô cùng khó khăn.
Theo ông Đỗ Hòa, Hoa Kỳ vẫn là đích tới của phần lớn các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi so sánh với các thị trường tiêu thụ lớn khác. Ví dụ như Trung Quốc, đây là thị trường gần cận, sức tiêu thụ lớn nhưng họ chủ yếu chỉ tiêu thụ nguyên liệu thô, và họ cũng là bậc thầy về hàng giá rẻ nên xuất khẩu sang quốc gia này mang lại giá trị gia tăng rất thấp, trong khi thị trường Nga thì tiêu thụ hàng hóa Việt Nam không nhiều và có vị trí địa lý quá xa.

“Tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, không ủng hộ việc thông qua TPP nhưng ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với từng quốc gia riêng lẻ. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy đàm phán song phương với Hoa Kỳ”, ông Hòa nói.

Theo TBKTSG

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: