Điểm tin

Nền kinh tế số cần trở thành trọng tâm chính sách AEC

18 tháng 01. 2017

Những lợi ích đến từ số hóa là vô giá và để điều đó được diễn ra, một nền kinh tế kỹ thuật số cần trở thành trọng tâm chính sách trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, theo một báo cáo công bố sáng 13-1 tại Hà Nội.

Tiềm năng chưa được khai thác tốt

Tại buổi công bố Báo cáo “Thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Nền kinh tế số và Dòng chảy tự do của dữ liệu”, đại diện Thương vụ của Đại sứ quan Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá: AEC có hơn 600 triệu dân, đứng thứ 3 toàn cầu về sử dụng internet, đứng thứ 2 thế giới về thu hút đầu tư. Chuyên gia này khẳng định: “Tiềm năng rất lớn nhưng về mức độ của ASEAN chưa thật sự hội nhập, chưa thật sự kết nối để khai thác tốt tiềm năng này. Nền kinh tế số chỉ phát triển tốt nhất khi AEC hội nhập cao”. Nền kinh tế số là chủ đề rất quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm và có đóng góp lớn vào tăng trưởng của Việt Nam. Đây cũng là chủ đề quan tâm của APEC mà Việt Nam sẽ là nước chủ nhà trong năm nay. Đại diện Hoa Kỳ nói: “Để khai thác tốt tiềm năng của nền kinh tế số rất cần tăng cường kết nối, đây là điều mà ASEAN chưa làm tốt nên chưa khai thác hết tiềm năng của nền kinh tế số”.

Đại diện thương vụ Hoa Kỳ cũng khẳng định, số phận của Hiệp định TPP hiện chưa xác định, song những cam kết Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn không có gì thay đổi. Ông nói: “Không có TPP thì không có nghĩa là không có quan hệ thương mại hiệu quả. Hoa Kỳ cũng đang tập trung thúc đẩy nền kinh tế số và dòng chảy tự do của dữ liệu trong môi trường kinh doanh APEC”. Nếu chú trọng phát triển nền kinh tế số sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Vị chuyên gia này phân tích thêm, khu vực DNNVV ở ASEAN đang tạo ra 70% việc làm nhưng lại chỉ đóng góp khoảng 30% GDP trong khối, thua xa mức đóng góp của DNNVV ở Cộng đồng kinh tế châu Âu. Vì vậy phát triển công nghệ số sẽ giúp DNNVV ở Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện với chi phí thấp. Điều quan trọng đối với các quốc gia ASEAN là tạo lập được một môi trường, chính sách tốt cho phát triển công nghệ số.

Tham gia thảo luận, ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, các DNNVV, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ ở Việt Nam rất quan tâm đến tiềm năng kinh tế số, vì họ không có nhiều nguồn lực để quảng bá, hay mở rộng thị trường như các doanh nghiệp lớn. Thực tế là đã có những doanh nghiệp nhỏ rất thành công. Ông Đỗ Anh Tuấn dẫn thí dụ, một doanh nghiệp nhỏ ở làng Vũ Đại đã rất thành công khi sử dụng internet để bán cá kho đi khắp cả nước và ra cả nước ngoài. Quy mô của doanh nghiệp này đã tăng 100 lần mỗi năm. Facebook đã giúp nhiều bà mẹ trẻ vừa nuôi con nhỏ, vừa điều hành kinh doanh dễ dàng. Internet cũng đã giúp nhiều địa phương bán nông sản tới nhiều nơi.

Đại diện của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cũng chỉ ra rằng, nhờ trao đổi dữ liệu qua internet, đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh, quảng bá, thực hiện tốt các dịch vụ sau bán hàng, … người tiêu dùng thì được mua sắm toàn cầu.

Đối thoại để vượt ba thách thức

Đại diện Thương vụ Hoa Kỳ cũng nêu lên ba thách thức chính mà tất cả các quốc gia đều phải tìm cách vượt qua. Đó là địa phương hóa dữ liệu, bảo đảm an ninh mạng và bảo đảm tính riêng tư của dữ liệu. Ông khẳng định: “Sự tự do lưu chuyển dữ liệu là yếu tố nền tảng của nền kinh tế số. Vì vậy các chính phủ ASEAN cần đối thoại với nhau và với các đối tác để hài hòa chính sách, tạo ra một môi trường số chung thống nhất, an toàn nhưng sự tự do lưu chuyển dữ liệu được bảo đảm”.

Các đại biểu đều cho rằng, thanh toán có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế số, đặc biệt là thanh toán xuyên biên giới. Vì vậy, các chính phủ cần cùng nhau tạo ra một môi trường pháp lý cho thanh toán thông thoáng hơn, an toàn hơn và cũng giúp các chính phủ quản lý thu thuế hiệu quả hơn.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng: “việc đóng dữ liệu chẳng khác nào tự tách mình khỏi dòng chảy tự do thương mại. Điều quan trọng là phải hướng dẫn người sử dụng cần biết sử dụng thương mại điện tử an toàn”. Các chính phủ cần xây dựng một chuẩn mực chung về pháp lý trong cách ứng xử với các thách thức.

Bàn về những thách thức trong thương mại điện tử ở Việt Nam, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng, trong ba thách thức chính, thì vấn đề an ninh mạng không quá lớn, mà là vấn đề phương pháp kinh doanh trên môi trường mạng thế nào cho hiệu quả.

Rào cản thứ hai là các chi phí, dịch vụ kho vận cao và kém so với nhiều nước trong khu vực đã hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử.

Thứ ba là vấn đề lòng tin trong khâu thanh toán. Việt Nam đang có khoảng 100 nghìn tài khoản đăng ký thanh toán qua mạng, nhưng giá trị thanh toán hầu như không tăng sau nhiều năm.

Tham luận tại hội thảo, cựu Đại sứ của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak cho biết đã nghiên cứu kỹ về TPP và thấy rằng, các nước ASEAN có những trình độ rất khác nhau về thương mại điện tử, song điều đáng mừng là các quốc gia tham gia TPP trong ASEAN đã chấp nhận các tiêu chuẩn cao của TPP và đang nỗ lực để thu hẹp khoảng cách, đạt được các tiêu chuẩn cam kết.

Báo cáo công bố tại hội thảo tập trung phân tích các giải pháp để các nền kinh tế ASEAN có thể xây dựng một nền tảng tốt nhất nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, DNNVV, cũng như các doanh nghiệp lớn để tạo ra lợi nhuận liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế số trong AEC. Báo cáo cũng khẳng định những lợi ích đến từ số hóa là vô giá và để điều đó được diễn ra, một nền kinh tế kỹ thuật số cần trở thành trọng tâm chính sách trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Thành phần tham dự Hội thảo bao gồm: Lãnh đạo cấp cao một số Bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông; Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN; Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Đại diện các Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam; Đại diện các công ty Hoa Kỳ như Deloitte, Cisco, Citi, Google, MasterCard, Microsoft, Seagate; Các chuyên gia độc lập về kinh tế và công nghệ; và lãnh đạo gần 100 doanh nghiệp và Hiệp hội Việt Nam trong ngành Công nghệ thông tin.

Internet rộng mở cơ hội kinh doanh 

Hiện mọi thứ ở Việt Nam đang được số hóa từ thương mại, thanh toán, vận chuyển, giáo dục, sức khỏe … Các sản phẩm về công cụ tìm kiếm, nội dung, công cụ giao tiếp đã có sự phát triển mạnh mẽ như Google, Zalo, fb, zing.vn…

Từ năm 2010, tỷ lệ người sử dụng internet tại Việt Nam tăng nhanh và xu hướng truy cập internet qua mobile tăng mạnh hơn PC. Ước tính đến năm 2020, tỷ lệ người sử dụng smartphone tăng gấp 30 lần so với năm 2010, chiếm 60% dân số. Ước tính đến năm 2020 có 60 triệu người dùng smartphone, 15 triệu người dùng PC. Với mức độ sử dụng internet mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa cao độ và thời lượng sử dụng 2-3 giờ/ngày thì cơ hội thị trường Mobile internet tăng từ 40 đến 100 lần.

Quy mô thị trường quảng cáo năm 2016 là 390 triệu USD, ước tính đến năm 2020 là 950 triệu USD. Thương mại điện tử tăng mạnh 50% so với cùng kỳ năm 2015, tổng giá trị giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử năm 2016 là 900 triệu USD, ước tính đến 2020 là 5 tỷ USD. Tổng giá trị giao dịch thanh toán trực tuyến tăng 55% so với cùng kỳ nhờ thương mại điện tử và số lượng gia tăng người dùng internet và smartphone. Cụ thể tổng giá trị thanh toán trực tuyến năm 2016 là 680 triệu USD, ước tính đến 2020 là 4 tỷ USD.

Số lượng người dùng smartphone tại Việt Nam và Đông - Nam Á tăng cao. Ở Việt Nam, năm 2016 là 30 triệu người, ước tính năm 2020 là 60 triệu người, ở Đông - Nam Á là 200 triệu người năm 2016 và 300 triệu người năm 2020.

Nguồn: Báo nhân dân

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: