Điểm tin

AEC- lộ rõ năng lực “thượng đài” của doanh nghiệp Việt

03 tháng 02. 2017

Khả năng tận dụng cơ hội khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành của DN Việt Nam là chưa tốt. Điều đó thể hiện sự “khập khiễng” giữa cam kết hội nhập và năng lực cạnh tranh trong nước.

Chưa tận dụng được cơ hội

Năm 2016 chứng kiến sự tăng trưởng về XK của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… bất chấp các nước này giảm nhu cầu NK. Tuy nhiên, một thị trường được nhận định là có nhiều cơ hội- thị trường ASEAN - lại liên tiếp giảm sút. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, riêng thị trường ASEAN, XK lại có sự giảm sút dù AEC đã được hình thành từ cuối năm 2015 với 96 % tỷ lệ thuế quan được xóa bỏ từ năm 2015.“Điều này thể hiện việc khai thác những cơ hội của chúng ta chưa tốt. Sự sụt giảm về kim ngạch XK giảm tương ứng qua các năm 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 10,1%, 4,7% và 4,6%”, ông Trần Tuấn Anh dẫn chứng.

Một nghiên cứu hồi tháng 4-2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra, đã có 46,79% DN chủ động tìm hiểu thông tin về AEC nhưng có tới 94% DN biết tới AEC và chỉ có chưa đầy 17% biết rõ về các cam kết trong AEC. Không chỉ dừng ở đó, số DN tận dụng được các cơ hội từ AEC thời gian qua còn thấp hơn nữa. Thiếu thông tin chính xác và toàn diện về AEC là một trong những rào cản lớn nhất khiến các DN Việt Nam không tận dụng được các cam kết này”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập thuộc VCCI đã nhận xét như vậy.

Không chỉ vậy, việc tận dụng cơ hội từ AEC chưa tốt còn có nguyên nhân do sức cạnh tranh hàng hóa Việt Nam còn kém. Mặt hàng dệt may là một ví dụ. Sản phẩm dệt may của Việt Nam XK sang ASEAN còn khá khiêm tốn. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã thừa nhận: “Đúng thật, việc khai thác thị trường AEC còn gặp nhiều khó khăn bởi đây là những quốc gia còn trống về thị trường, có dân số tương đối lớn nhưng cũng là quốc gia sản xuất dệt may tương đối mạnh”. Theo đó, mặc dù thị trường ASEAN rộng lớn và có nhiều thuận lợi nhưng lại tồn tại nhiều nước có ngành dệt may mạnh như Thái Lan, Indonesia và Myanmar cũng đang hướng đến XK dệt may. Những nước này có lực lượng sản xuất tương đối tốt nên Việt Nam càng khó cạnh tranh hơn với các nước này tại khu vực ASEAN. Do vậy, năm 2016, XK dệt may sang ASEAN chỉ khoảng 300 triệu USD.

Hơn nữa, do đặc thù, bán hàng, sản xuất bằng thương hiệu khác nên việc XK trực tiếp sang các quốc gia này, theo ông Trường, khó có thể nhìn thấy sự thay đổi rõ ràng. Trên thực tế, vẫn nhìn thấy hàng Việt Nam bán ở các nước ASEAN như Singapore, Thái Lan nhưng con số này lại không đính trực tiếp được vào kim ngạch giữa Việt Nam với Thái Lan, Singapore hay bất cứ nước nào khác.

Năng lực “đấm đá” còn yếu

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận, cơ hội của AEC là có nhưng DN không tận dụng được, đó là sự khập khiễng giữa cam kết hội nhập và năng lực cạnh tranh trong nước. AEC đã cho thấy năng lực cạnh tranh của DN như thế nào, năng lực hội nhập của DN thấp như thế nào. Đây là vấn đề cần phải thu hẹp. “AEC cho thấy sự yếu kém của chúng ta giống như anh võ sỹ lúc chưa thượng đài đứng dưới vỗ tay nói mạnh nhưng khi thượng đài mới thấy năng lực “đấm đá” của mình mạnh ở đâu và yếu ở đâu”, ông Doanh ví von.

Một vấn đề khiến ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Tư vấn chính sách VCCI lo ngại là khả năng của DN Việt Nam để khai thác thị trường ASEAN ngày càng giảm trong khi khả năng khai thác của DN ASEAN đối với thị trường Việt Nam lại ngược lại. Đây cũng là vấn đề được ông Doanh đặt ra: “Trong khi Việt Nam không xuất được sang các nước ASEAN thì các nước này lại đẩy mạnh XK sang thị trường nước ta, bởi thị trường lúc này không còn là của riêng Việt Nam mà là thị trường chung của 10 nước ASEAN”.

Trên thực tế, hàng hóa của ASEAN có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú. Các DN của các nước ASEAN có chiến lược tiếp thị tốt, chiến lược sản phẩm tốt nên đã thâm nhập thị trường Việt Nam một cách dễ dàng. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam chất lượng kém, kể cả hàng nông sản lẫn hàng công nghiệp, mẫu mã không đẹp, chủng loại nghèo nàn, đặc biệt là thương hiệu không có, chất lượng kém, giá cả không cạnh tranh. Chưa kể, chiến lược tiếp thị, chiến lược sản phẩm của DN Việt cũng kém. Đây là bức tranh tương phản giữa Việt Nam và các nước ASEAN thể hiện ở năng lực cạnh tranh của sản phẩm và năng lực cạnh tranh của DN Việt còn kém.

Có thể thấy, bức tranh tương phản này đã được nhìn thấy từ trước nhưng đến khi AEC được hình thành thì vấn đề về năng lực cạnh tranh của hàng hóa, DN Việt Nam càng được bộc lộ rõ hơn. Chính vì thế, “đòi có sự quan tâm để điều chỉnh giúp DN hội nhập tốt hơn” là nhiệm vụ được ông Trần Tuấn Anh nhắc đến bằng cách như nỗ lực đẩy mạnh việc giảm bới chi phí, thời gian, tiền bạc của DN trong kinh doanh…

Nguồn: Báo Hải quan

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: