Điểm tin

Hội nhập AEC: Chẳng học đâu xa, hãy học người Thái

03 tháng 02. 2017

“Hãy quan sát những người làm công tác xúc tiến thương mại Thái Lan tại Việt Nam. Họ đi khắp Việt Nam, họ nói được tiếng Việt, họ xáp vào với doanh nghiệp, lặn lội đến từng cửa hàng để xem người tiêu dùng Việt cần gì, nhìn nhận như thế nào về hàng Thái...” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Năm vừa qua, tất cả các nước thành viên trong AEC đã có rất nhiều cố gắng để thúc đẩy việc hình thành cộng đồng một cách thực sự. Đặt trong xu hướng chung của nền kinh tế toàn cầu, AEC cho thấy các nước ASEAN đang cùng nhau vượt lên để có thể tham gia tốt hơn tại sân chơi toàn cầu.Bà đánh giá như thế nào về chặng đường một năm AEC đã đi qua?

Việc có một chỗ đứng vững chắc trong AEC sẽ giúp các nước ASEAN tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) tốt hơn. Đồng thời, nâng cao vị thế của từng thành viên ASEAN trong mối quan hệ với các đối tác khác ngoài khu vực. Đơn cử như việc Việt Nam có được FTA với Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp EU quan tâm nhiều hơn đến ASEAN, muốn đàm phán FTA với các thành viên khác trong ASEAN.

Về nội bộ cộng đồng, có thể lấy trường hợp của Việt Nam để thấy được sự quan tâm của các nước đối với AEC. Sự đổ bộ ào ạt của các nhà bán lẻ Thái Lan vừa qua đã cho thấy sự hào hứng, quyết liệt của người Thái trong việc tận dụng cơ hội từ AEC tại thị trường Việt Nam. Những nước khác như Malaysia, Philippines, Singapore... cũng đang có những chính sách riêng để thúc đẩy giao lưu kinh tế với Việt Nam sau khi nhìn thấy những cơ hội tiềm năng từ thị trường nội địa của chúng ta.

Ở chiều ngược lại, dường như sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh từ AEC chưa nhiều và kém xa rất nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Cuối năm 2016, sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, khi khả năng ký kết TPP được cho là khó thực hiện, chúng ta mới chững lại mối quan tâm về TPP. Còn trước đó, có thể nói mọi mối quan tâm của doanh nghiệp đều dồn cho TPP mà chưa có sự quan tâm thích đáng cho AEC. Kết quả là năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN không tăng, thậm chí còn giảm tới 9% so với năm 2015, trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục nhập siêu từ ASEAN.

Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam sang các nước ASEAN cũng chưa thấy có tăng trưởng rõ rệt, trong khi đầu tư ASEAN vào Việt Nam lại tăng mạnh. Như vậy, xét theo mối quan hệ hai chiều, chiều Việt Nam tiếp nhận vẫn đang bị chi phối còn chiều Việt Nam đi ra để tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh thì vẫn còn rất khiêm tốn.

Có vẻ như tại sân chơi này, chúng ta đang mất nhiều hơn được?

Đúng vậy. Chỉ nhìn vào xuất khẩu, nhập khẩu, dòng đầu tư vào và dòng đầu tư ra, rõ ràng chúng ta đang mất nhiều hơn.Còn về FDI từ ASEAN, tôi không trông đợi hiệu ứng lan tỏa được nhiều, cũng không trông đợi họ mang đến những công nghệ mới hay mở rộng thị trường cho Việt Nam.

Điều chúng ta cần quan tâm là đầu tư trong nước của doanh nghiệp Việt Nam chứ đừng mãi ưu đãi theo kiểu ưu tiên cho doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI mà “ghẻ lạnh” doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp đầu tư ra bên ngoài vì họ thấy dễ hơn đầu tư trong nước. Vì thế, trong nước phải có cơ chế thực sự khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở ngay trên đất nước mình.

Với doanh nghiệp trong nước chúng ta hạn chế đủ thứ, từ quy mô, đất đai, dòng vốn cho đến thủ tục nhưng lại mở đủ thứ cho nước ngoài. Như vậy,  doanh nghiệp Việt Nam lấy đâu cơ hội  cạnh tranh, ngay cả với các nước ASEAN.

Rõ ràng chúng ta chưa tận dụng được cơ hội từ AEC. Vậy các nước ASEAN khác đã tận dụng như thế nào?

Tôi nghĩ chẳng phải nhìn và học đâu xa, hãy học ngay nước bạn Thái Lan. Hãy quan sát những người làm công tác xúc tiến thương mại Thái Lan tại Việt Nam. Họ đi khắp Việt Nam, họ nói được tiếng Việt, họ xáp vào với doanh nghiệp, lặn lội đến từng cửa hàng để xem người tiêu dùng Việt cần gì, nhìn nhận như thế nào về hàng Thái, so sánh hàng Thái với hàng Việt, chỗ nào mà hàng Thái có thể thuyết phục được người tiêu dùng Việt, chỗ nào có thể mở được các cửa hàng Thái Lan. Tôi nghĩ, sở dĩ hàng Thái có thể vào Việt Nam thành công như vậy chính là nhờ công sức của đội ngũ này.

Các chương trình xúc tiến của họ cũng vậy. Họ làm đến nơi đến chốn, từ việc đưa hàng sang, chiến dịch truyền thông, đến chiến dịch tiếp cận với người tiêu dùng và đưa ra những điều rất thiết thực chứ đâu phải xúc tiến theo kiểu “đem con bỏ chợ”, “sống chết mặc bay” như của Việt Nam.

Điều tra mới đây của VCCI cho thấy, chỉ khoảng hơn 16% doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ về AEC. Con số này phản ánh điều gì?

Thực ra con số này đã có sự cải thiện đáng kể so với năm trước. Nếu như năm 2015, chỉ khoảng 56% doanh nghiệp biết đến AEC, sang năm 2016, con số này đã lên hơn 90%. Tuy nhiên, số biết sâu hay biết rõ về AEC chỉ có khoảng hơn 16%. Đây là một tỷ lệ khá nhỏ, để thấy hiểu biết của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế lắm. Số biết rõ có lẽ chỉ là một số ít doanh nghiệp thực sự muốn tham gia và cạnh tranh tại thị trường ASEAN.

Theo bà, doanh nghiệp Việt Nam thiếu quan tâm đến AEC vì chưa hiểu sâu hay vì thị trường AEC chưa thực sự hấp dẫn?

Tôi nghĩ cả hai. Tâm lý chưa coi trọng thị trường ASEAN vẫn còn nhiều trong các doanh nghiệp. Cứ nói đến xuất khẩu là họ mơ tưởng đến cơ hội xuất khẩu sang Mỹ, sang EU, Nhật Bản, gần đây có thêm Nga, Hàn Quốc. Ngay cả về tiếp nhận đầu tư cũng vậy, họ thiên về tiếp nhận đầu tư từ các nước có trình độ phát triển cao hơn để có thể có công nghệ tốt hơn, có kỹ năng quản trị tốt hơn...

Thực tế là giữa ASEAN và Việt Nam, tính bổ sung cho nhau không nhiều so với tính cạnh tranh vì cấu trúc của các nền kinh tế cơ bản tương tự nhau, sản phẩm cũng giống nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng cạnh tranh sẽ mang lại sự thúc ép để doanh nghiệp phải làm tốt hơn chứ không phải cạnh tranh bằng cách né tránh. Đây là chiều mà các doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp cận nhiều hơn.

Hay như tư duy về cạnh tranh của các Bộ, ngành cũng có vấn đề. Nhiều quan chức nói rằng cạnh tranh là tốt nhưng lại không đưa ra được giải pháp hay cách thức nào để  cạnh tranh đó mang lại lợi ích cho Việt Nam. Nhiều khi chỉ nói đấy rồi lại đẩy tất cả trách nhiệm về cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, một điều cũng chưa thực sự công bằng đối với các doanh nghiệp Việt Nam là chúng ta khá nghiêm túc trong việc thực hiện cam kết đối với bên ngoài về việc mở cửa thị trường, nhưng lại không có các công cụ bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Các nước khác, bên cạnh các cam kết về mở cửa thị trường, họ luôn đưa ra các công cụ bảo hộ nhằm bảo vệ doanh nghiệp nước họ.

Ví dụ, 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển trong AEC. Trong khi, Thái Lan yêu cầu lao nước ngoài phải hiểu luật Thái, nói được tiếng Thái để phục vụ cho người tiêu dùng Thái Lan thì Việt Nam lại không đưa ra yêu cầu tương tự, không đòi hỏi gì. Điều này có thể khiến người Việt không đi ra được Thái Lan, nhưng người Thái lại dễ dàng vào Việt Nam để cung cấp các dịch vụ của họ.

Hàng rào kỹ thuật với các sản phẩm cũng vậy. Gần như chúng ta buông, không kiểm tra chất lượng hàng của các nơi khác. Người Thái lại đang tận dụng rất tốt điều này. Họ đang tạo niềm tin ở người Việt về sản phẩm Thái khi xây dựng tâm lý coi hàng Thái Lan tốt hơn hàng Trung Quốc, an toàn hơn hàng Trung Quốc, thậm chí an toàn hơn hàng Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đâu có tiêu chuẩn kỹ thuật nào để xác định xem hàng của họ có thực sự an toàn. Chúng ta đang kiểm tra, thanh tra ngặt nghèo doanh nghiệp trong nước nhưng lại buông lỏng việc kiểm tra hàng hóa từ bên ngoài.

Nguồn: Baoquocte.vn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: