Điểm tin

Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề khối ASEAN

10 tháng 02. 2017

Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập cuối năm 2015 đã cho phép dịch chuyển lao động có tay nghề. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong 8 lĩnh vực nghề của ASEAN gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. 

Tuy nhiên, khung trình độ quốc gia trong khối ASEAN hiện nay vẫn tồn tại những khoảng cách đáng kể. Điều này cho thấy việc xây các tiêu chuẩn kỹ năng nghề tương thích trong khu vực ngày càng trở nên bức thiết hơn.

Tồn tại nhiều khác biệt

Các nước thành viên ASEAN đang có sự khác biệt về nguồn cung lao động gồm kỹ năng, tiền lương và năng suất. Trong khi đó, việc thông qua các tiêu chuẩn lao động trong khối ASEAN cũng còn nhiều hạn chế. Theo điều tra của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), loại hình đào tạo mà các doanh nghiệp trong ASEAN cần nhất là quản lý và đào tạo lãnh đạo (29%), kỹ năng nghề và kỹ thuật (17%), dịch vụ chăm sóc khách hàng (15%). Tiếp sau là maketing, IT... và sau cùng là kế toán (6%).

Sau thời điểm 2015, cộng đồng ASEAN sẽ phải đối mặt với sự không tương xứng về kỹ năng trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng cao. Số liệu thống kê năm 2014 cho thấy, 58,8% người lao động ASEAN (179 triệu) đang làm những công việc dễ bị tổn thương. Tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương trong ASEAN cao hơn đáng kể khi phân tích về sự khác biệt về giới với tỷ lệ lao động nữ cao vượt trội so với nam giới. Bên cạnh đó là những chênh lệch về chất lượng việc làm, trình độ phát triển thị trường lao động và khả năng đảm bảo phúc lợi đối với người lao động và an sinh xã hội.

Hiện nay, chuẩn đầu ra được sử dụng ngày càng phổ biến trong việc phát triển các khung trình độ và hệ thống trình độ quốc gia, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn nghề, hướng nghiệp và tư vấn nghề. Mục đích chính sử dụng chuẩn đầu ra nhằm gắn kết tốt hơn giáo dục đào tạo với thị trường lao động và việc làm. Khung tham chiếu trình độ ASEAN đã sử dụng chuẩn đầu ra như một cách tiếp cận đơn nhất để các nước thành viên có thể tham chiếu trình độ trong nội khối ASEAN.

Chuẩn đầu ra

Theo TS Nguyễn Quang Việt (Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề), đặc điểm của chuẩn đầu ra tốt, đó là: Xác định mức độ, tiêu chí hoặc tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng, khả năng hoặc định hướng giá trị mà sinh viên phải thể hiện; Bao hàm các điều kiện để sinh viên có khả năng thể hiện kiến thức, kỹ năng, khả năng hoặc thiên hướng...

Cấu trúc chuẩn đầu ra của một ngành nghề đào tạo ở mỗi trình độ bao gồm các nội dung chính như: Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề; Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng ngoại ngữ, tin học. Phẩm chất đạo đức, ý thức và tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ, trách nhiệm công dân; Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường...

Chuẩn đầu ra sẽ cung cấp những đặc trưng cần thiết, cho phép sinh viên biết đó là những thứ họ sẽ học, và để đạt mức độ đặc trưng đó thông thường cần lặp lại quá trình trên nhiều lần. Chẳng hạn, trong khi phân tích yêu cầu kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ trách nhiệm cụ thể theo chức năng vị trí việc làm sẽ quay lại điều chỉnh đầu ra kiến thức, kỹ năng, thái độ, mức độ tự chủ trách nhiệm chung cho trình độ đào tạo, hoặc điều chỉnh phạm vi, diện và chiều sâu của trình độ đào tạo. Tất cả các bước trong quy trình đều phải tham vấn chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo, đặc biệt là đại diện bên sử dụng lao động và doanh nghiệp.

Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định, nhà trường sẽ tự chủ về chương trình đào tạo. Xây dựng các chương trình đào tạo theo năng lực hành nghề dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, hoặc xác định chuẩn đầu ra theo ngành nghề và vị trí việc làm ứng với từng trình độ. Với định hướng phát triển các chương trình tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế thì Khung trình độ quốc gia và Khung tham chiếu trình độ ASEAN cần được tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng ở tất cả các khâu đào tạo bao gồm đầu vào, quá trình và đánh giá để bảo đảm chuẩn đầu ra theo cam kết của nhà trường với người học, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội.

Nguồn: giaoducthoidai

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: