Điểm tin

Thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm APEC 2017

17 tháng 02. 2017

Từ ngày 16 – 17/2/2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm nước G20 (BTNG G20) tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức.

Với chủ đề “Định hình trật tự toàn cầu – chính sách đối ngoại vượt lên quản lý khủng hoảng”, Hội nghị BTNG G20 sẽ tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề tương ứng với 3 phiên, đó là: Nghị sự 2030 vì phát triển bền vững: vai trò, đóng góp của kênh Ngoại giao G20 trong triển khai các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030; tạo dựng, thúc đẩy các thể chế hiệu quả và bao trùm trong triển khai Nghi sự 2030; thực hiện cam kết hướng tới một trật tự thế giới công bằng và bao trùm hơn. Duy trì hòa bình trong một thế giới phức tạp: cách thức G20 thúc đẩy “duy trì hòa bình” thành hành động cụ thể; nâng cao vai trò và năng lực của Liên hợp quốc trong xây dựng hòa bình, ngăn ngừa xung đột; nhận diện sớm khủng hoảng tiềm năng và ngăn ngừa khủng hoảng…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị BTNG G20 nhằm khẳng định đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam; thể hiện vai trò nước Chủ nhà APEC 2017 về thúc đẩy hợp tác, liên kết, ở Châu Á – Thái Bình Dương và thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong Năm APEC 2017.

Đánh giá về vai trò của G20 và quan hệ giữa Việt Nam với G20, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cho biết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên G20 đang phát triển tốt đẹp. Hiện 10 thành viên G20 có quan hệ đối tác chiến lược và 2 thành viên có quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam với các thành viên G20 ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2010 trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thủ tướng Chính phủ đã đóng góp rất tích cực và hiệu quả vào tiến trình G20 năm 2010. Sau năm 2010, tuy không tham dự các hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng Việt Nam vẫn luôn quan tâm theo dõi các chủ đề và trọng tâm nghị sự của G20; chủ động phối hợp với các nước và các tổ chức quốc tế thúc đẩy các vấn đề chung của quốc tế như ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực, thúc đẩy thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu…

Đại sứ nhấn mạnh năm 2017, Việt Nam lại được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và các hội nghị liên quan, nhưng với tư cách nước chủ nhà “Năm APEC 2017.” Đây cũng là lần đầu tiên nước chủ nhà “Năm APEC” không phải là thành viên G20 được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và như vậy là lần thứ 2 Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của Việt Nam tham gia bàn thảo và đóng góp vào các công việc quan trọng toàn cầu.

Nguồn: Enternews

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: