Điểm tin

Doanh nghiệp EU xem Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN

03 tháng 03. 2017

Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đa số các doanh nghiệp châu Âu vẫn lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, nơi họ xem là cửa ngõ để xâm nhập vào thị trường ASEAN.

Tại lễ công bố Sách trắng 2017 nêu ra những vấn đề thương mại, đầu tư và kiến nghị của các nhà đầu tư EU tới Chính phủ Việt Nam ngày 2-3, ông Michael Behrens, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, cho biết điểm mới của cuốn sách năm nay là có riêng một chương đề cập đến Hiệp định thương mại tự do EU Việt Nam (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào năm 2018.

“Chúng ta đang ở trong những giai đoạn đầu tiên của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trở nên khó đoán định thì EVFTA có khả năng trở thành hiệp định dẫn dắt trong hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam năm 2017 và sau này. Ngược lại, EVFTA cũng khiến Việt Nam trở thành điểm kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu vì Việt Nam không chỉ có tiềm năng mà còn là đầu mối của thị trường ASEAN trong tương lai”, ông Michael Behrens nói.

Còn theo ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, EVFTA là cột mốc quan trọng trong quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU. Việt Nam hiện là quốc gia thứ hai trong khối ASEAN đã đàm phán FTA với EU sau Singapore.

Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong 10 quốc gia ASEAN (sau Singapore) và cũng là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU trong khu vực này. Khối thương mại đa phương đã tăng trưởng đều trong 10 năm qua, đạt mức 10% và cán mức 34 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016. Theo ông Bruno Angelet, để tăng cường thương mại và thu hút nguồn vốn từ EU hơn nữa, Việt Nam cần nỗ lực tăng tốc tái cơ cấu và chuẩn bị nguồn nhân lực tốt hơn.

Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, theo Tiểu ban Pháp luật thuộc EuroCham, nhìn chung các doanh nghiệp EU coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho hoạt động đầu tư FDI. Điều này là do lộ trình mở cửa dần và hầu hết với các ngành dịch vụ theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam bắt đầu được tiến hành từ năm 2007 và đã hoàn tất vào năm 2015.

Trong một số ngành và lĩnh vực, pháp luật trong nước đã nới rộng khả năng tiếp cận thị trường vượt ngoài cam kết WTO. Ví dụ, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng ban đầu bị giới hạn ở mức 49%, nhưng hiện nay, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, tỷ lệ này đã lên đến 100%. Việt Nam cũng đưa ra nhiều ưu đãi đầu tư, bao gồm cả ưu đãi về thuế đối với một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp châu Âu đang dẫn đầu thế giới như công nghệ cao, công nghệ môi trường và nông nghiệp.

Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, EU ngày càng trở thành một nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam. Trong vòng 25 năm qua, tính đến hết năm 2015, EU đã đầu tư 23,2 tỉ đô la Mỹ vốn FDI cam kết vào hơn 1.700 dự án.

Các doanh nghiệp EU tỏ ra phấn khởi trước nỗ lực thay đổi tích cực hơn của Việt Nam trong việc xây dựng một Chính phủ mới và các giá trị ưu tiên như Chính phủ liêm chính, phát triển bền vững với tinh thần phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Song cũng theo tiểu ban này, mặc dù các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật mới đã được ban hành, quy trình cấp phép cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhiều khi vẫn còn khá mơ hồ. Nhà đầu tư EU vẫn đang gặp phải những trở ngại khi làm việc với hệ thống hành chính của Việt Nam. Việc khai báo thuế, thông quan đăng ký kinh doanh và các thủ tục hành chính khác thường xuyên bị chậm trễ, kết quả xử lý hồ sơ không lường trước được. Điều này khiến doanh nghiệp phải tiêu tốn nhiều nguồn lực cho thủ tục hành chính mà đáng lẽ có thể sử dụng để phát triển hoạt động kinh doanh của mình.

Xét về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo báo cáo 2016-2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp hạng 60 trên 138 nền kinh tế. Thứ hạng này đã cải thiện so với giai đoạn 2014-2015. Cũng theo báo cáo này, thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo là trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam (chiếm 23,6%), chính sách bất ổn là trở ngại được xếp thứ 2 (21,3%), ngoài ra còn những trở ngại liên quan tới các quy định về thuế, tiếp cận tài chính.

Nguồn: TBKTSG

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: