Điểm tin

Kết quả Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN

20 tháng 03. 2017

Tại cuộc trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 23, Hội nghị Tham vấn giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Cao ủy thương mại EU lần thứ 15 vừa diễn ra tại Manila, Philippines từ ngày 9-10.3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Hội nghị lần này là dịp tốt để 4 nước ASEAN tham gia TPP cùng nhau thống nhất quan điểm trong bối cảnh Hoa Kỳ có thay đổi chính sách và rút khỏi TPP.

Thưa Bộ trưởng, hiện nay dường như các nước đang có xu thế bảo hộ và hướng nội, vậy xu hướng này có tác động thế nào đến các nội dung thảo luận tại Hội nghị?

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đúng là thời gian gần đây, thương mại thế giới phát triển chậm lại và không còn thể hiện được vai trò là “đầu tầu” kéo nền kinh tế toàn cầu phát triển nữa. Một số nền kinh tế lớn cũng có dấu hiệu e ngại các tác động của tiến trình toàn cầu hóa đến công ăn việc làm trong nước. Đây là nguyên nhân gây nên tâm lý chống toàn cầu hóa ở một số nơi.

Tuy nhiên, trong bình diện ASEAN thì xu hướng hợp tác, tăng cường hội nhập vẫn là xu thế chung. Đặc biệt, 4 nước trước đây có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN là Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanma đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cao không những so với các nước phát triển hơn trong ASEAN mà cả với các nước khác khu vực Châu Á - TBD. Đây là điều kiện tốt để tất cả các nước ASEAN vươn lên, tăng cường hợp tác, thể hiện rõ hơn vị thế của khu vực trong bản đồ kinh tế thế giới, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của từng nước thành viên. Chính vì vậy, mặc dù xu hướng bảo hộ ở một số nơi, càng làm các nước ASEAN quyết tâm đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại hơn, cả trong nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài.

 Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã đạt được những kết quả quan trọng gì, thưa Bộ trưởng?

- Hội nghị lần này đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng.

- Thứ nhất, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã nhất trí thông qua các ưu tiên trong hợp tác kinh tế của năm ASEAN 2017;

- Thứ hai, Hội nghị đã thông qua chương trình làm việc trong năm, trong đó đặc biệt chú trọng đến các hoạt động hết sức cụ thể nhằm cắt giảm chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp (thông qua các cơ chế hợp tác như ASEAN một cửa, cho phép doanh nghiệp được tự chứng nhận hàm lượng xuất xứ đối với sản phẩm của mình thay cho việc phải đi xin phép các cơ quan Nhà nước v.v…);

- Thứ ba, Hội nghị cũng thống nhất được một số nội dung để thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để thể hiện vai trò trung tâm của các nước ASEAN trong cuộc đàm phán quan trọng này;

- Cuối cùng, tại Hội nghị tham vấn với Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU), ASEAN và EU đã có bước tiến mạnh trong hợp tác hai khối. Cụ thể, hai bên thông qua việc ra tuyên bố hướng tới tái khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai khu vực và cùng nhau nghiên cứu một cơ chế theo dạng tòa trọng tài đa phương để giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ nước nhận đầu tư để tăng thẩm quyền của Chính phủ khi ra các quyết định bảo vệ lợi ích công ví dụ như khi cần hạn chế đầu tư để bảo vệ môi trường.

Ngoài ra tại hội nghị này, các Bộ trưởng đã ký kết một số văn kiện hợp tác kinh tế trong khuôn khổ ASEAN để thúc đẩy hơn nữa hoạt động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Tại Hội nghị này, đoàn Việt Nam đã có những hoạt động nào để thúc đẩy hợp tác trong khối?

- Thứ nhất, về hợp tác ASEAN, chúng ta đã có một số sáng kiến thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN trong năm nay và được các nước đánh giá cao. Đặc biệt, với tư cách là nước chủ nhà APEC, VN đã cùng Philippine thống nhất các ưu tiên của ASEAN và APEC trong năm nay để một mặt đạt kết quả cao nhất, mặt khác nâng được vị thế của ASEAN trong các diễn đàn khu vực và đa phương. Ví dụ trong APEC, VN đang cùng các nước thúc đẩy sáng kiến cắt giảm 10% chi phí giao dịch trong thương mại quốc tế; phối hợp với nước chủ nhà Philippine lồng mục tiêu này vào các hoạt động của ASEAN nhưng với lộ trình thực hiện nhanh hơn trong APEC.

- Thứ hai, tại hội nghị lần này, hợp tác song phương VN - Philippine đã có cuộc trao đổi chính thức cấp Bộ trưởng để xác định một số nguyên tắc, giao Ủy ban Hỗn hợp hai nước gặp nhau trong tháng tới để triển khai một số lĩnh vực ưu tiên, cần có cơ chế hợp tác ổn định như vấn đề cung ứng gạo với số lượng lớn, giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng. Thứ ba, VN và EU đã thống nhất một số lĩnh vực hợp tác để tiến tới sớm ký kết và đưa Hiệp định FTA Việt Nam - EU vào thực hiện trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các nước có trao đổi gì về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không, thưa Bộ trưởng?

- Hội nghị lần này là dịp tốt để 4 nước ASEAN tham gia TPP cùng nhau thống nhất quan điểm trong bối cảnh Hoa Kỳ có thay đổi chính sách và rút khỏi TPP. Do vậy, VN đã có trao đổi song phương với các nước ASEAN về TPP. Chúng tôi rất mừng là cả 4 nước ASEAN đều có những nhận định và đánh giá tương đối giống nhau. Hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra các quyết định về TPP. Do vậy, các nước ASEAN cùng thống nhất dịp Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội vào tháng 5 tới sẽ là cơ hội để các nước TPP đánh giá tình hình kỹ hơn và cùng nhau đưa ra một số giải pháp cho hội nhập giữa các nước TPP trong tình hình mới.

Nguồn: Báo Lao động

*Tiêu đề bài báo do Trung tâm WTO và Hội nhập đặt lại

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: