Điểm tin

“Các nước ASEAN thống nhất thúc đẩy đàm phán RCEP”

20 tháng 03. 2017

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các nước ASEAN đã thống nhất thúc đẩy đàm phán RCEP.

Bộ Công Thương vừa phát đi quan điểm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khi trở về từ Hội nghị hẹp các bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 23, diễn ra tại Philippines vừa qua. 

Hội nhập vẫn là xu thế chung

Theo quan điểm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian gần đây, thương mại thế giới phát triển chậm lại, một số nền kinh tế lớn cũng có dấu hiệu e ngại các tác động của tiến trình toàn cầu hóa đến công ăn việc làm trong nước. Đây là nguyên nhân gây nên tâm lý chống toàn cầu hóa ở một số nơi.

Tuy nhiên, trong bình diện ASEAN thì xu hướng hợp tác, tăng cường hội nhập vẫn là xu thế chung. Đặc biệt, 4 nước trước đây có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN là Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cao không những so với các nước phát triển hơn trong ASEAN mà cả so với các nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Đây là điều kiện tốt để tất cả các nước ASEAN vươn lên, tăng cường hợp tác, thể hiện rõ hơn vị thế của khu vực trong bản đồ kinh tế thế giới, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của từng nước thành viên.

“Chính vì vậy, dường như xu hướng bảo hộ ở một số nơi càng làm các nước ASEAN quyết tâm đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại hơn, cả trong nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài”, Bộ trưởng cho biết.

Đặc biệt, năm nay ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Riêng về lĩnh vực kinh tế thì quá trình hội nhập ASEAN đã có những bước tiến dài và không thể đảo ngược, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác mạnh hơn trong các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh - quốc phòng…, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Cũng theo người đứng đầu ngành công thương, hội nghị lần này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như nhất trí thông qua các ưu tiên trong hợp tác kinh tế của năm ASEAN 2017.

Hội nghị đã thông qua chương trình làm việc trong năm, trong đó đặc biệt chú trọng đến các hoạt động hết sức cụ thể nhằm cắt giảm chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các bộ trưởng đã thống nhất được một số nội dung để thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để thể hiện vai trò trung tâm của các nước ASEAN trong cuộc đàm phán quan trọng này. 

Cuối cùng, các Bộ trưởng tham vấn với Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU), ASEAN và EU đã có bước tiến được xem là mạnh nhất trong hợp tác hai khối thời gian gần đây. 

Sẽ bàn sâu hơn về TPP

Về hợp tác ASEAN, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có một số sáng kiến cụ thể thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN trong năm nay và được các nước đánh giá cao. 

Đặc biệt, với tư cách là nước chủ nhà APEC, Việt Nam đã cùng Philippines thống nhất các ưu tiên của ASEAN và APEC trong năm nay để một mặt đạt kết quả cao nhất, mặt khác nâng được vị thế của ASEAN trong các diễn đàn khu vực và đa phương. 

Ví dụ như trong APEC ta đang cùng các nước thúc đẩy sáng kiến cắt giảm 10% chi phí giao dịch trong thương mại quốc tế. Mục tiêu này có lộ trình thực hiện thậm chí còn nhanh hơn trong APEC.
 
“Sáng kiến này đã được các nước ASEAN đánh giá cao và coi đây là một kết quả cụ thể của ASEAN để tạo được các lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Hội nghị lần này là dịp tốt để 4 nước ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng nhau thống nhất quan điểm trong bối cảnh Mỹ có thay đổi chính sách và rút khỏi TPP. 

“Tôi rất mừng là cả 4 nước đều có những nhận định và đánh giá tương đối giống nhau. Hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra các quyết định về TPP. Do vậy, các nước ASEAN cùng thống nhất dịp Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội vào tháng 5 tới đây là cơ hội để các nước TPP có đánh giá tình hình kỹ hơn và cùng nhau đưa ra một số giải pháp cho hội nhập giữa các nước TPP trong tình hình mới”, người đứng đầu Bộ Công Thương nói.

Nguồn: Vneconomy

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: