Điểm tin

RCEP – Giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương

03 tháng 04. 2017

Sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được Tổng thống đắc cử Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) ủng hộ, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được xem là một giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương. Rất nhiều học giả, chuyên gia kinh tế đã có chung nhận định rằng TPP "chưa thể ra đời" là một thiệt thòi lớn cho nỗ lực của các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn cho RCEP hình thành và phát triển...

ASEAN sẽ cố gắng đạt được một hiệp định thương mại có chất lượng cao hơn khi không có TPP

Mới đây, nhân chuyến thăm Việt Nam, trong buổi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long cho rằng “TPP quan trọng, nhưng nó không phải là cách duy nhất để tăng cường tự do thương mại”. Ngày 24-3, trả lời báo chí khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, ông mong muốn Việt Nam có hướng tiếp cận “nhìn về phía trước” đối với RCEP, đang được bàn thảo giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân.

Vậy RCEP quan trọng đến đâu mà Thủ tướng Lý Hiển Long lại có cái nhìn lạc quan với RCEP như vậy? Có thể thấy rằng, trong bối cảnh sự không chắc chắn ngày càng gia tăng xung quanh TPP, sự chú ý chuyển sang RCEP với tư cách một lựa chọn thay thế quan trọng là điều dễ hiểu.

Giá trị của RCEP được thể hiện trên 3 khía cạnh sau: Thứ nhất, RCEP sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan lên đến 90-95%. Lĩnh vực này thực tế hiện nay đã và đang được áp dụng trong các hiệp định thương mại tự do song phương giữa ASEAN và các đối tác; thứ hai, những điều khoản mang tính tích cực sẽ làm cho RCEP có ý nghĩa với tất cả các quốc gia thành viên, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ; thứ ba, thúc đẩy đàm phán cho ra đời RCEP không chỉ phục vụ hội nhập khu vực mà còn cho hợp tác khu vực. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng như lĩnh vực thông tin và truyền thông, cũng được đưa vào trong các danh mục ưu tiên.

RCEP được ASEAN đề xướng vào năm 2012 với tư cách một Hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn diện. Tính đến cuối năm 2016, 16 vòng đàm phán RCEP đã được tiến hành. Mặc dù vẫn còn nhiều chướng ngại vật cản đường, song ASEAN đang thúc đẩy việc kết thúc các cuộc đàm phán RCEP vào năm 2017, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Có nhiều khả năng ASEAN sẽ cố gắng đạt được một hiệp định thương mại có chất lượng cao hơn khi không có TPP. Vì 7 trong số các thành viên TPP cũng tham gia RCEP, có khả năng một số quốc gia trong số này sẽ thúc đẩy các điều kiện trong RCEP đã từng được hoàn tất trong TPP. Điều này sẽ dẫn tới một hiệp định thương mại được cải thiện có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành một Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) toàn diện.

Phân tích về vai trò của RCEP đối với toàn cầu hóa, Báo Bưu điện Gia-các-ta đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế Y.R.Đa-mu-ri (Yose Rizal Damuri) với tựa đề: “RCEP là một tín hiệu tích cực cho toàn cầu hóa”, trong đó chỉ rõ: Việc Mỹ rút khỏi TPP khiến RCEP có lý do được thúc đẩy nhanh hơn và được cho là sẽ thay thế TPP để tiếp tục đưa nền kinh tế các quốc gia thành viên hội nhập sâu hơn.

Tuy nhiên, việc đàm phán để đi đến ký kết RCEP hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc cắt giảm thuế quan của các quốc gia thành viên. ASEAN hiện có các FTA song phương với 6 nước đối tác và chính vấn đề này đã gây trở ngại cho việc đàm phán. Chẳng hạn như trong lĩnh vực thương mại, các nước thành viên cần phải cắt giảm 55 loại thuế so với 5 loại của các FTA song phương. Việc hợp nhất giữa tự do hóa thương mại, các quy tắc thương mại và thực tiễn ở các lĩnh vực khác nhau dường như trở nên khó khăn hơn. Để giải quyết những vấn đề này, các quốc gia thành viên của RCEP cần đưa ra các cam kết cao hơn so với các FTA song phương giữa ASEAN và các nước đối tác. Tuy nhiên, hầu hết các nước tham gia đàm phán hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau chưa thể đi đến thống nhất trong các điều khoản của hiệp định. Nhiều nước vẫn còn tập trung vào các FTA song phương với từng nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

RCEP sẽ bổ sung, hỗ trợ cho TPP

Sẽ là sai lầm khi đánh giá rằng RCEP sẽ là đối trọng với TPP, trong khi hai hiệp định này ra đời có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Về cơ bản, RCEP là một phần trong các nỗ lực của các quốc gia châu Á để hình thành con đường quản trị, hợp tác của khu vực. Do vậy, RCEP nên được xem như một ASEAN mở rộng và cung cấp nền tảng để hình thành một khu vực hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với nhau, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. ASEAN sẽ là hạt nhân cốt lõi của quá trình này và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác của khu vực.

Với các thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao, tương tự như các thỏa thuận trong TPP, RCEP rất có thể sẽ được các quốc gia thành viên hoan nghênh khi tiến hành đàm phán. Điều quan trọng là việc đàm phán trong giai đoạn hiện nay liên quan đến nhu cầu cấp bách và hoàn cảnh cụ thể của các quốc gia ở khu vực. Việc hiệp định này được hình thành không chỉ giúp tăng cường hợp tác đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia thành viên mà còn góp phần cải cách trong nội bộ của từng quốc gia.

Thay vì tham vọng cho ra đời những hiệp định không thực tế và phải mất một thời gian dài, các quốc gia trong khu vực cần có những cách tiếp cận thực tế, tiến hành sớm các cuộc đàm phán để đạt được sự tiến bộ nhằm sớm cho ra đời RCEP - một thành tựu của thương mại thế giới với sự tham gia của 16 quốc gia, chiếm gần một nửa dân số Trái Đất, 1/4 tổng sản phẩm hàng hóa toàn cầu và 40% giá trị thương mại thế giới. RCEP sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho việc hợp tác, hội nhập của khu vực và thực sự hấp dẫn đối với các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguồn: Quân Đội Nhân Dân

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: