Điểm tin

Rộng mở cơ hội đầu tư Việt Nam – Trung Quốc

26 tháng 04. 2017

Doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư tại Việt Nam.

Nhiều cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc đang được DN 2 nước nỗ lực thiết lập thông qua các cuộc tiếp xúc DN, khảo sát thị trường… thời gian gần đây. Tham dự tọa  đàm thương mại và đầu tư Việt Nam – Trung Quốc 2017, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Uỷ ban xúc tiến thương mại quốc tế (CCPIT) tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc tổ chức ngày 25/4, cơ quan quản lý và xúc tiến đầu tư của cả 2 quốc gia đều nhận định những kết quả đạt được hiện nay còn dưới tiềm năng.

Cán cân thương mại chuyển biến tích cực

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng có quan hệ truyền thống lâu đời và trong những năm qua quan hệ song phương giữa hai nước không ngừng phát triển. Trung Quốc đã có 11 năm liền là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam đối với nhiều nhóm mặt hàng.

Dẫn chứng bằng số liệu thống kê của hải quan Việt Nam, bà Hằng cho biết năm 2016, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc đạt 71,9 tỷ USD và tăng 7,9% so với năm 2015. Hiện nay Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương bổ sung, cán cân thương mại giữa 2 quốc gia trong vài năm gần đây đang chuyển biến theo hướng cân bằng hơn. Cụ thể là trong năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 28,1% trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ tăng 0,9%. Như vậy nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong năm 2016 vẫn tăng ở mức gần 4% so với năm 2015, song tốc độ đã chậm lại. Ông Lang cũng cho biết, trong vòng 13 năm qua, lần đầu tiên nhập siêu của Việt Nam so với Trung Quốc đã giảm tương đối lớn.

Điều này cho thấy cán cân thương mại giữa 2 nước đang có xu hướng tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và giảm xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam. Điều đáng mừng khác là trước đây số liệu thống kê giữa hải quan 2 nước luôn chênh lệch khá lớn, song trong năm vừa qua đã thu hẹp đáng kể, cho thấy các hoạt động thương mại chính ngạch đang gia tăng. 

Thống kê của Cục Xúc tiến thương mại cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2016 là máy vi tính, đồ điện tử và linh kiện, rau củ quả, máy ảnh, máy quay phim, xơ sợi các loại… Trong đó 15 sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều tiếp tục tăng so với năm trước.

Theo cơ quan hải quan Trung Quốc, năm 2016 Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 9 của Trung Quốc trên toàn cầu. Trong bối cảnh thương mại của Trung Quốc với các nước khác suy giảm thì đầu năm 2017 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục tăng 2 con số, đã thể hiện vai trò của Việt Nam trong ASEAN vẫn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Trung Quốc.

Cơ hội đầu tư gia tăng

Ở góc độ thu hút đầu tư, ông Nguyễn Nội, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, lũy kế đến ngày 20/3/2017, Trung Quốc có 1.616 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,19 tỷ USD. Với kết quả này, Trung Quốc hiện đứng vị trí thứ 8 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tuy không phải là NĐT nước ngoài hàng đầu song tình hình đang xoay chuyển, khi ngày càng nhiều NĐT Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, bất kể Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa có tín hiệu tiến triển.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, đã có trên 823 triệu USD vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Trong số này, vốn đăng ký mới là 683 triệu USD, vốn tăng thêm gần 16 triệu USD. Đáng chú ý, có tới 177 lượt NĐT Trung Quốc góp vốn, mua cổ phần trong các DN ở Việt Nam, với tổng vốn tham gia 123 triệu USD. Với động thái tăng tốc đầu tư này, Trung Quốc đứng thứ ba trong bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào Việt Nam trong quý I năm nay, sau Hàn Quốc và Singapore. Đây là động thái gây khá nhiều bất ngờ.

Trao đổi với các NĐT Trung Quốc, ông Nội khẳng định Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng… Ngoài ra thuế xuất nhập khẩu nội khối ASEAN sẽ giảm về 0% đối với hầu hết các mặt hàng, việc tập trung cổ phần hoá DNNN cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho các NĐT tư nhân, nước ngoài tham gia sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, sẽ luôn tạo thuận lợi cho các DN Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghệ xanh… Đây là lĩnh vực DN Trung Quốc có thế mạnh và có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng là lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu hợp tác nhằm nâng cao vị thế. Ngoài ra, thời gian tới Cục Đầu tư nước ngoài cũng sẽ kêu gọi các quỹ đầu tư, tập đoàn đa quốc gia tiến hành nghiên cứu đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng theo danh mục của Chính phủ, hoặc đề xuất dự án mới trong lĩnh vực này.

Ông Huang Xiao Hang, Phó Chủ tịch CCPIT Chiết Giang bày tỏ, các DN của tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc có mặt trong cuộc tọa đàm này đều có thiện chí muốn tiếp xúc với DN Việt Nam để mở rộng cơ hội đầu tư cho DN hai bên. “Chiết Giang là tỉnh có số DN đầu tư và có quan hệ thương mại với Việt Nam nhiều nhất so với các địa phương khác của Trung Quốc. Hy vọng đây sẽ là cơ hội tốt để DN hai bên gặp gỡ giao lưu và kết nối thương mại hiệu quả”, ông Huang Xiao Hang nhấn mạnh.

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: