Điểm tin

Tìm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Trung Quốc

21 tháng 06. 2017

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu, trao đổi và khảo sát một số mô hình hoạt động của khu kinh tế, doanh nghiệp (DN) tại Trung Quốc, Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) đã tổ chức đoàn công tác, khảo sát thực tế tại tỉnh Chiết Giang và TP. Thượng Hải (Trung Quốc).

Nhiều cơ hội đầu tư

Ông Phan Thế Anh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Trưởng đoàn công tác - cho biết: Đoàn đã có nhiều đợt giao lưu, tiếp xúc với lãnh đạo và DN các tỉnh Chiết Giang và Thượng Hải. Đồng thời, tham quan, khảo sát các khu kinh tế để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông sản, thủy - hải sản, nghiên cứu và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến...

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Quý I/2017, tổng kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 25,47 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang, ông Bùi Huy Khang - chia sẻ: Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng đầu trong ASEAN của tỉnh này. Năm 2016, kim ngạch thương mại giữa Chiết Giang - Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Hiện, có 186 DN Chiết Giang đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,68 tỷ USD. Hai bên đều có tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghệ cao, sản xuất máy móc, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo… Một số DN như: Tập đoàn Nhiệt điện tỉnh Chiết Giang, Công ty Họa Long… đang xúc tiến các dự án đầu tư vào nhiệt điện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề DN quan tâm hiện nay là đầu tư vào tỉnh nào sẽ có ưu thế, giá thuê đất, giá nhân công và giá điện cụ thể ra sao?

Theo đại diện Tập đoàn Hải Lượng, trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, đã có một số vấn đề phát sinh như: Mất điện 1 ngày/tháng tại Khu công nghiệp (KCN) Long Giang (Tiền Giang), việc tuyển lao động, huy động vốn và tìm kiếm các nhà cung cấp tại Việt Nam cũng gặp khó khăn. Trả lời ý kiến DN, ông Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - thông tin cụ thể: Ban quản lý KCN Long Giang có hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự kiến cuối năm 2017 khánh thành đường dây 110kV phục vụ sản xuất sẽ khắc phục tình trạng mất điện. Ông Bình cũng nhấn mạnh: Tiền Giang đang chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ xanh và bảo vệ môi trường.

Học hỏi kinh nghiệm

Lãnh đạo Ủy ban Thương mại TP. Hàng Châu (Trung Quốc) cho biết: Năm 2016, kim ngạch xuất - nhập khẩu (XNK) giữa Hàng Châu và Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015), cho thấy tốc độ tăng trưởng và hợp tác giữa Hàng Châu và Việt Nam là rất lớn.

Tại buổi làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế Tiêu Sơn, ông Lê Thành Công - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh - đưa ra câu hỏi: Khi hình thành Khu kinh tế Tiêu Sơn đã định hướng cho từng khu, trong quá trình kêu gọi đầu tư, có cần thay đổi cho từng khu hay không? Về vấn đề này, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Tiêu Sơn chia sẻ: Tiêu Sơn được chia làm 4 khu, dựa vào nhu cầu phát triển và sự điều chỉnh tổng thể của thị trường. Chính sách thu hút đầu tư chung cho toàn bộ các khu nhưng tùy từng dự án cụ thể ban quản lý sẽ có chính sách riêng...

Tại TP. Thượng Hải, đoàn đã làm việc với Ủy ban Thương mại của thành phố. Ông Dương Triều - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thương mại TP. Thượng Hải - cho hay, năm 2016, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam - Thượng Hải đạt 50,7 tỷ NDT. 4 tháng 2017, XNK Việt Nam và Thượng Hải đạt 18,8 tỷ NDT tăng 40%. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Thượng Hải gồm điện tử, linh kiện điện tử, điện máy; Thượng Hải nhập của Việt Nam các loại linh kiện viễn thông, sợi, dệt may và linh kiện điện tử.

Nguồn: Báo Công thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: