Điểm tin

Sắp diễn ra Diễn đàn Lao động di cư ASEAN lần thứ 10

09 tháng 10. 2017

Theo thông tin tại Cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn Lao động di cư ASEAN (AFML) lần thứ 10 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 9-10, tại Hà Nội, Diễn đàn AFML lần thứ 10 sẽ diễn ra tại thủ đô Manila, Philippines từ ngày 25-10 đến 26-10-2017.

Mục tiêu của cuộc họp nhằm rà soát các hoạt động cấp quốc gia trong việc triển khai khuyến nghị của các Diễn đàn AFML trước đây, đồng thời thảo luận chủ đề và đề xuất các khuyến nghị của Việt Nam làm cơ sở cùng các quốc gia thành viên đưa ra các khuyến nghị khu vực tại diễn đàn. Cuộc họp được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Dự án Tam giác của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO.

Diễn đàn AFML năm nay với chủ đề “Hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững cho lao động di cư giúp việc gia đình trong ASEAN”, tập trung vào hai nội dung chính bao gồm: Các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về bảo vệ lao động di cư giúp việc gia đình; thực hiện các chính sách và các dịch vụ hỗ trợ.

Diễn đàn là một hoạt động thường niên được tổ chức tại nước chủ nhà ASEAN trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban ASEAN thực hiện Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, chủ đề “Hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững cho lao động di cư giúp việc gia đình trong ASEAN” của diễn đàn năm nay là hết sức thiết thực, nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động cũng như giúp họ có việc làm đảm bảo hơn và được tiếp cận an sinh xã hội.

Lao động giúp việc gia đình đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tuy nhiên những lao động này vẫn thuộc nhóm lao động yếu thế và không được bảo vệ. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện có hơn 53 triệu lao động giúp việc gia đình trên toàn cầu trong đó tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm số lượng 21 triệu lao động. 

Phần lớn lao động giúp việc gia đình là phụ nữ (chiếm hơn 80%), họ đã đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế và thịnh vượng chung cho quốc gia tiếp nhận lao động. Tuy nhiên, do bản chất công việc làm việc trong một môi trường khép kín, bị đánh giá thấp, thường không được ràng buộc bởi các điều khoản rõ ràng về việc làm và không được bảo vệ bởi pháp luật lao động nên những lao động này hưởng mức lương thấp và điều kiện làm việc không đảm bảo. Họ còn thường phải đối mặt với tình trạng bóc lột sức lao động, thậm chí bị xâm hại tại chính gia đình chủ mà họ đang sinh sống và làm việc.

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: