Điểm tin

Doanh nghiệp cần đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng lợi từ các FTA

18 tháng 12. 2017

Bà Bùi Kim Thùy, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, nếu nắm vững và đáp ứng quy tắc xuất xứ và chuỗi cung ứng sản xuất khu vực/toàn cầu thì doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ các hiệp định FTA.

Ngày 15/12, tại Hà Nội, Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức hội thảo "Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và Hồng Kông: Làm sao để doanh nghiệp hưởng lợi?".

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập đã giới thiệu tổng quan về các cam kết thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc; trong đó, có Bản nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và nội dung Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA).

Bà Trang cho biết, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn có Hiệp định thương mại biên giới và một số hiệp định thỏa thuận song phương khác. Đây có thể coi là hiệp định thương mại mới nhất của ASEAN và Việt Nam với đối tác nước ngoài. Hiệp định này tạo ra một con đường, một cơ hội mới về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước ASEAN nói chung và tiếp cận với Hồng Kông - 1 khu vực kinh tế hành chính đặc biệt quan trọng của Trung Quốc.

Theo bà Trang, muốn được hưởng lợi, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu để nắm được những thông tin về các cơ hội và lợi ích từ những hiệp định này; đồng thời, để có thể cạnh tranh được với hàng hóa Trung Quốc hay của Hồng Kông thì cần tìm ra được lợi thế cạnh tranh của mình so với họ.

Cũng tại hội thảo, bà Bùi Kim Thùy, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương giới thiệu về các giải pháp kỹ thuật để tận dụng ưu đãi từ ACFTA và AHKFTA. Theo bà Thùy, cùng với việc các cơ quan Nhà nước tiến hành song song đàm phán thuế quan và đàm phán về quy tắc xuất xứ thì các doanh nghiệp cần xác định mã HS; hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ.

Doanh nghiệp cũng cần có C/O ưu đãi, vốn là căn cứ pháp lý quan trọng nhất chứng minh cho quốc tịch của hàng hóa; được hưởng ưu đãi về thuế quan FTA; đồng thời, kích thích việc tìm kiếm nguyên phụ liệu và tăng cường sản xuất tại các nền kinh tế thành viên FTA.

Theo bà Thùy, FTA là thuận lợi nếu doanh nghiệp nắm vững và đáp ứng quy tắc xuất xứ và chuỗi cung ứng sản xuất khu vực/toàn cầu, nhưng cũng là thách thức nếu doanh nghiệp không đáp ứng, không lựa chọn đúng quy tắc xuất xứ; không chủ động nguồn cung đầu vào, không có hàm lượng kỹ thuật cao trong thành phẩm.

Ông Bùi Văn Thành, Hội đồng Khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phân tích một số rủi ro và biện pháp phòng ngừa khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp Trung Quốc. Theo ông Thành, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp nên xác minh, kiểm tra thông tin qua tổ chức dịch vụ cung cấp thông tin; tổ chức hiệp hội ngành nghề; kiểm tra thực tế về pháp nhân và giao dịch hoặc các cổng thông tin điện tử về doanh nghiệp, thuế, hải quan; cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc… Đồng thời, doanh nghiệp Việt phải thường xuyên kiểm tra quá trình thực hiện quyền của các bên trong hợp đồng để buộc bên liên quan phải thực hiện đúng trình tự chấp thuận; đảm bảo hiệu lực hợp đồng về hình thức; lựa chọn ngôn ngữ áp dụng khi giải quyết tranh chấp./.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: