Điểm tin

“Tương lai thế giới sẽ thực sự khởi nguồn từ Châu Á – Thái Bình Dương”

19 tháng 01. 2018

Phát biểu chào mừng diễn đàn nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang nhấn mạnh ý nghĩa, đây là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay. APPF cần góp phần tạo động lực tăng trưởng mới cho khu vực, để tương lai thế giới thời gian tới thực sự được khởi nguồn từ Châu Á – thái Bình Dương…

Chiều tối 18/1, phát biểu khai mạc APPF 26, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các nghị sĩ, các diễn giả tham gia diễn đàn nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 tại thủ đô văn hiến của Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội cũng cảm ơn bạn bè quốc tế vì sự tín nhiệm dành cho Quốc hội Việt Nam, để Việt Nam được tiếp tục đăng cai tổ chức APPF năm nay.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa của diễn đàn trong quá trình phát triển, từ 15 nghị viện sáng lập ban đầu tới thời điểm APPF có 27 nghị viện thành viên hiện nay. APPF đã trở thành tổ chức đại diện cho hơn 4,5 tỷ người trên thế giới.

“APPF đã thúc đẩy tự do hoá, thương mại đầu tư, đem lại hoà bình và thịnh vượng cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đóng góp ngày càng mạnh mẽ vào các hoạt động ngoại giao nghị viện, nâng cao tiếng nói của các nghị sĩ với các vấn đề quốc tế và khu vực” – lãnh đạo Quốc hội Việt Nam khái quát.

APPF 26, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, diễn ra trong bối cảnh hết sức phức tạp, trong đó có thách thức từ những cuộc xung đột vũ trang nóng bỏng của thế giới, từ những nguy cơ an ninh phi truyền thống ngày cảng nổi lên như biến đổi khí hậu. Xu hướng liên kết kinh tế dù có nhiều thay đổi nhưng vẫn nổi lên như dòng chảy cơ bản của tiến trình phát triển kinh tế thế giới.

Do đó, tại diễn đàn lần này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho rằng, ngoài việc cùng trao đổi về các vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, APPF 26 còn là bản lề để xây dựng chiến lược cho mối quan hệ của các nước trong 25 năm tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khuyến cáo, các nghị viện cần thúc đẩy cơ chế cam kết hành động mạnh mẽ hơn của các thành viên trong diễn đàn.

Về phía Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khái quát, gia nhập APPF từ 1995, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, được quốc tế đánh giá cao. Năm 2005 Việt Nam từng đăng cai tổ chức thành công APPF 13 tại Hạ Long - Quảng Ninh. Việc tiếp tục đăng cai tổ chức đàn lần thứ 26 năm nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò của Việt Nam như một thành viên tích cực của APPF. Sự kiện đối ngoại này có ý nghĩa với hình ảnh về một việt Nam năng động, sáng tạo.

Phát biểu chào mừng hội nghị sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ, Việt Nam nhiệt liệt chào đòn các nghị sĩ nghị viện các nước thành viên tới với Hà Nội – thành phố vì hoà bình đã được cả thế giới ghi nhận.

Chủ tịch nước Việt Nam khái quát, trong 1/4 thế kỷ vừa qua kể từ khi thành lập, APPF không chỉ chứng kiến những thay đổi lớn, mang tính bước ngoặt của khu vực và thế giới mà còn là một phần của những thay đổi đó. APPF cũng trở thành cơ chế thúc đẩy hoà bình, đối thoại trên cơ sở cùng có lợi và tôn trọng các quy tắc ứng xử của thế giới. APPF cùng tích cực tham gia thực hiện các cam kết chung trong khu vực và quốc tế.

Đánh giá cao việc các thành viên APPF đã nỗ lực trong việc thúc đẩy thương mại, kết nối tự do, Chủ tịch nước cho rằng, diễn đàn nghị viện giữa các nước thành viên đã góp phần thúc đẩy Châu Á – Thái Bình Dương thành trung tâm đối thoại, đổi mới, khơi nguồn những xu hướng, giá trị của khu vực và thế giới. Diễn đàn cũng giúp đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Chúc mừng những thành công của APPF để xây dựng Châu Á – Thái Bình Dương hoà bình, ổn định và phát triển bền vững, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu rõ về bối cảnh thế giới bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21. Gần 1 thập niên sau khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu vừa qua, nền kinh tế chung của thế giới đã có bước phục hồi nhưng vẫn chưa thể trở lại như trước, nguy cơ thiên tai tàn phá, chiến tranh, xung đột vẫn thường trực diễn ra, đe doạ hoà bình, an ninh chung.

“Hơn bao giờ hết, APPF cần đi đầu trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa phương trong cấu trúc khu vực đa tầng nấc. Ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy đối thoại, củng cố niềm tin, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp một cách hoà bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Với quan điểm đó, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực duy nhất không có xung đột từ sau khi thế giới kết thúc chiến tranh lạnh. Vì vậy, đây là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay, đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu. APPF đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ để không ai bị bỏ lại phía sau, thích ứng tốt hơn trong thời đại toàn cầu hoá và kỷ nguyên số” – Chủ tịch nước nói.

Theo Chủ tịch nước, thế kỷ 21 được kỳ vọng là thế kỷ của Châu Á – Thái Bình Dương, APPF cần tích cực để đóng góp xây dựng tầm nhìn mới của khu vực.

Nhắc lại thành công của APEC 2017 vừa diễn ra, Chủ tịch nước cho biết, APEC đã thống nhất thông qua chương trình hợp tác để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ. Tuyên bố chung Đà Nẵng ghi nhận sự thống nhất của các nước thành viên trong việc hỗ trợ, ủng hộ hợp tác thương mại đa phương. Vì thế, APPF sẽ cùng hỗ trợ APEC để tạo động lực tăng trưởng mới cho khu vực, để tương lai thế giới thời gian tới thực sự được khởi nguồn từ Châu Á – thái Bình Dương.

Chủ tịch Quốc hội Fiji, Chủ nhà APPF 25 – bà Jiko Luveni phát biểu tại phiên khai mạc với tư cách một thành viên mới của APPF. Bà Luveni bày tỏ tự hào về sự lớn mạnh của diễn đàn, năng động và đa dạng để cùng hợp tác giải quyết các vấn đề quan tâm chung, hỗ trợ nhau trên phạm vi toàn cầu.

Các nghị sĩ có mặt hôm nay mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác đóng góp vào tăng trưởng chung của khu vực. Nếu muốn thay đổi thế giới, phải bắt đầu từ chính mình, từ khu vực của mình, Chủ tịch Quốc hội Fiji nói.

APPF có 4 ngày làm việc chính thức với chương trình nghị sự dày đặc như hội nghị Nữ nghị sĩ, Phiên thảo luận về các vấn đề chính trị và an ninh, các vấn đề kinh tế và thương mại, các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực… thông qua các nghị quyết và tuyên bố chung.

Nguồn: Báo Dân trí

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: