Điểm tin

ASEAN và câu chuyện thẻ vàng của EU

06 tháng 07. 2018

Không riêng gì Việt Nam, nhiều nước trong ASEAN đã nhận thẻ vàng, thậm chí thẻ đỏ từ Liên minh châu Âu (EU) do đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU). Với những nỗ lực quyết liệt, Việt Nam và các quốc gia ASEAN đã nhận thẻ vàng đang hành động quyết liệt để ngành đánh bắt thủy hải sản được cải thiện trong mắt các nhà nhập khẩu EU.

EU lập luận rằng hoạt động đánh bắt cá IUU là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới.Quy định về IUU được EU ban hành vào năm 2008 và có hiệu lực năm 2010, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức này.

Theo quy định này, các quốc gia đánh bắt cá IUU sẽ bị phạt thẻ vàng cảnh cáo. EU sẽ xem xét án phạt này vào 6 tháng sau. Trong trường hợp các quốc gia nhận thẻ vàng mà không có biện pháp khắc phục phù hợp thì có nguy cơ nhận thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu thủy sản vào EU.

Theo một báo cáo của EU về các nước ASEAN đánh bắt IUU, Campuchia đã nhận "thẻ đỏ" từ EU từ tháng 3-2014, Philippines nhận thẻ vàng vào tháng 6-2014 nhưng được xóa thẻ vàng 10 tháng sau đó sau khi tuân thủ các quy định đánh bắt thủy sản của luật pháp quốc tế.

Cũng do đánh bắt cá trái phép tràn lan, Thái Lan nhận thẻ vàng từ EU vào tháng 4-2015. Kể từ đó, nước này đã lắp đặt một hệ thống theo dõi tự động trên các tàu lớn, cải thiện hệ thống luật pháp về thủy sản. Sau chuyến thăm Thái Lan tháng 11-2016, các thành viên của Ủy ban Thủy sản của EU đã hoan nghênh những biện pháp của Thái Lan, khẳng định đây là bước đi đúng đắn. Tuy nhiên theo cơ quan này, các biện pháp khắc phục của Thái Lan vẫn còn yếu nên chưa được xóa thẻ vàng.

Tháng 10-2017, Việt Nam bị EU phạt vào thẻ vàng với lý do "hành động không đủ để chống lại đánh bắt bất hợp pháp". Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng này, đặc biệt là tháng 11-2017, Quốc hội thông qua Luật thủy sản sửa đổi (có hiệu lực từ 1-1-2019), quy định khung hình phạt đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân vi phạm, 2 tỉ đồng đối với tổ chức.

“Nhận được thẻ xanh là một điều tuyệt vời nhưng cũng đừng xem thẻ vàng là một sự trừng phạt của EU. Hãy xem thẻ vàng là động lực giúp Việt Nam hiện đại hóa ngành thủy sản, nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn so với các nước trong khu vực”. Đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet cho biết. Đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet đã làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về vấn đề thẻ vàng.

"Những gì chúng tôi đã nhìn thấy cho đến nay chính là những dấu hiệu tích cực về cam kết chính trị thông qua các kế hoạch hành động cụ thể, đặc biệt là Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật thủy sản sửa đổi. Chúng tôi cần thời gian để đánh giá độ hiệu quả của các biện pháp Việt Nam đang thực hiện. Việc Việt Nam có thể quyết tâm chính trị là điều rất tốt nhưng còn phải đợi xem kết quả" - Đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet cho biết.

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT cho hay, Các địa phương chỉ đạo những cơ sở, cảng cá hoàn thiện thiếu sót mà EC đã khuyến nghị. Trong đó, quan trọng nhất là quản lý tàu cá, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trên biển cũng như tại cảng. Đặc biệt là các hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xác nhận, chứng nhận các sản phẩm khai thác thủy sản trên biển. Việt Nam có khoảng 109.000 tàu cá, trong đó, số lượng tàu khai thác xa bờ khoảng 28.000 tàu. Hiện đã lắp được thiết bị giám sát hành trình cho khoảng 13.0000 tàu./.

Nguồn: Báo ảnh Việt Nam

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: