Điểm tin

Căng thẳng Mỹ- Trung: EU và Đông Nam Á tiến thoái lưỡng nan

31 tháng 05. 2019

Căng thẳng Mỹ- Trung leo thang đã và đang khiến nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan giữa hai nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Liên minh châu Âu (EU)- khối trao đổi thương mại lớn nhất và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước một tình thế khó khăn sau khi Tổng thống Trump gia tăng sức ép với Bắc Kinh đầu tháng này.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã và đang đẩy mạnh ngoại giao nhằm củng cố mối quan hệ với các đối tác, đồng minh khắp châu Âu. Được biết, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn sẽ thăm Đức và Hà Lan tuần này, trùng với thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Berlin để hội đàm với Thủ tướng Đức Angel Merkel ngày 31/5. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sau đó ông Pompeo sẽ thăm Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh.

Trong chuyến thăm sắp tới đến châu Âu, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo dự tính sẽ gia tăng sức ép với các đồng minh truyền thống của Mỹ để những nước này đứng về phía Washington, thay vì Bắc Kinh.

Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu EU- Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, EU sẽ rất khó đưa ra một quan điểm lựa chọn nghiêng về Mỹ hay Trung Quốc, bởi liên minh này vẫn đang phụ thuộc vào cả Mỹ và Trung Quốc trong những lĩnh vực quan trọng về kinh tế và an ninh.

Mặc dù các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump khiến EU lo ngại, nhưng quan hệ Mỹ- EU vẫn giữ vai trò trung tâm trong chính sách của EU.

Một số quốc gia châu Âu đang lựa chọn đứng về phía Trung Quốc, nhưng hầu như rất ít nước thành viên EU đủ can đảm công khai đối đầu với Mỹ. Trong khi đó, đa số lãnh đạo các nước EU có chung quan điểm với Mỹ về lo ngại sự trỗi dậy cũng như sự bành trướng của Trung Quốc.

Một khu vực khác cũng đang chung hoàn cảnh với EU là khu vực Đông Nam Á. Mặc dù có mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc, nhưng một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á cũng đang hướng đến củng cố mối quan hệ với Mỹ trong những năm gần đây.

Sự phát triển của sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc đã làm cho Mỹ và các đồng minh thúc đẩy đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của các quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh đó, chiến lược "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP)" đã được nhiều nhà quan sát Trung Quốc nhìn nhận như một công cụ giúp Mỹ và các đồng minh chống lại sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các chuyên gia cho rằng, so với châu Âu, khu vực Đông Nam Á đang được hưởng lợi trong ngắn hạn từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. "Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và vị trí địa chính trị quan trọng đã mang lại cho 10 quốc gia thành viên đòn bẩy chưa từng có", một chuyên gia cho biết. 

Mặc dù EU và Đông Nam Á đang nỗ lực hết sức để tránh bị lôi kéo vào căng thẳng Mỹ- Trung, nhưng nếu cuộc chiến giữa hai nền kinh tế còn kéo dài, chắc chắn các quốc gia này sẽ chịu ảnh hưởng và tác động.

Trên thực tế, EU luôn đề cao mối quan hệ với Mỹ, trong khi những tương đồng và lịch sử kéo Đông Nam Á về gần hơn với Trung Quốc. Nhưng sẽ là quá sớm để cho rằng EU sẽ tiếp tục là đồng minh của Mỹ hay hướng đến Trung Quốc khi cả hai quốc gia này đều có những khúc mắc với EU.

Theo nhà phân tích Bonnie S. Glaser, Cố vấn cấp cao về vấn đề châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), không ngoại trừ khả năng cả EU và Đông Nam Á, cũng như các đồng minh khác của Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng cường sức mạnh từ bên trong để có thể đứng độc lập giữa hai bên. "Chặng đường này cần nhiều năm để thực hiện. Trong điều kiện hiện nay, một lối đi khác cho các nước chính là tăng cường hệ thống đa phương vốn đã suy yếu trong những năm gần đây. Một hệ thống thương mại đa phương sẽ giúp các quốc gia cùng nhau hóa giải tầm ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc", ông Bonnie S. Glaser cho biết.

Nguồn: Báo Công thương

Chia sẻ bài viết qua mạng xã hội: