Kế hoạch của ASEAN là sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay, đã được thúc đẩy thêm một bước sau khi Ấn Độ - một trong những đối tác đối thoại của ASEAN, đưa ra cam kết chính trị tích cực để ủng hộ các cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào tháng 11.
Theo Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Chutima Bunyapraphasara, người vừa trở về sau chuyến thăm ba ngày (9-11/7) tới Ấn Độ, đã đánh giá cao cơ hội kết thúc tất cả các cuộc đàm phán liên quan đến RCEP vào cuối năm nay. Việc kết thúc các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 ở Bangkok vào tháng 11. Các Bộ trưởng Thương mại của Thái Lan, Indonesia và Tổng Thư ký ASEAN đã có các cuộc làm việc với Bộ Thương mại và Công nghiệp của Ấn Độ, để thảo luận về các cách thức đẩy nhanh các cuộc đàm phán, đặc biệt là trong việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, để hiệp định được diễn ra vào cuối năm.
Ấn Độ đã được đề nghị trở nên linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán và Ấn Độ đã hoan nghênh điều này nhưng cũng yêu cầu các đối tác thương mại đối thoại thực hiện mở ngành dịch vụ nhiều hơn. Thái Lan với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2019 đã yêu cầu Ấn Độ cụ thể hóa danh sách các dịch vụ mà họ muốn các thành viên RCEP mở cửa. Ấn Độ có thể chấp nhận điều chỉnh và muốn kết thúc cuộc đàm phán vào cuối năm nay. Vẫn còn hai cuộc họp cấp Bộ trưởng RCEP trước hội nghị thượng đỉnh tháng 11, với cuộc họp đầu tiên vào tháng 8 ở Bắc Kinh và lần thứ hai vào tháng 9 ở Bangkok.
Ấn Độ ban đầu đã đồng ý cắt giảm thuế nhập khẩu xuống 0% cho 70% tổng số mặt hàng và các mặt hàng còn lại sẽ được cắt giảm thuế dần dần. Các nước đã được 60% tiến bộ trong các cuộc đàm phán RCEP, vì đã hoàn thành các cuộc đàm phán đối với 7 chương trong số 20 chương RCEP. Các nước đang đàm phán về 13 chương còn lại và nhằm mục đích kết thúc các cuộc đàm phán trong năm nay, theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN, để hiệp định sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2020 là muộn nhất.
Trước cuộc họp của các Bộ trưởng thương mại RCEP vào tháng tới tại Trung Quốc, New Delhi vẫn chưa nhận được đề nghị ràng buộc cho việc di chuyển dễ dàng hơn của các chuyên gia xuyên biên giới. Bất chấp áp lực phải hoàn tất đàm phán trong năm nay, nhiều nước thành viên đã không đưa ra nhượng bộ về các dịch vụ công nghệ thông tin hoặc liên quan đến máy tính và việc di chuyển xuyên biên giới đơn giản hơn của các chuyên gia. Trong khi các dịch vụ liên quan đến máy tính là một lĩnh vực mà Ấn Độ quan tâm và trong đó, phương thứ 4 về di chuyển thể nhân là mối quan tâm chính của Ấn Độ. Phương thức 4 là một trong bốn phương thức mà dịch vụ có thể được cung cấp trên phạm vi quốc tế, nó bao gồm sự di chuyển của các thể nhân như các chuyên gia độc lập và là mối quan tâm lớn của Ấn Độ. RCEP trước đó đã từ chối đề xuất của Ấn Độ về việc miễn lệ phí visa trên cơ sở đối ứng chung và Thẻ doanh nhân RCEP nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia và khách du lịch trong khu vực lo ngại việc di cư và mất việc sau đó. Các thành viên RCEP đang gần kết thúc hai chương nữa về dịch vụ tài chính và viễn thông.
Các Bộ trưởng Thương mại RCEP sẽ họp tại Trung Quốc vào ngày 2-3/8, trong đó các thành viên có thể thảo luận về các cam kết trong dịch vụ thông qua danh mục chọn bỏ và nêu các ngoại lệ đối với các dịch vụ mà họ muốn mở ra. Trong khi Ấn Độ đã đệ trình các cam kết dịch vụ trong danh mục chọn bỏ, thì các thành viên vẫn chưa muốn đưa ra các cam kết. Khối RCEP đã mở 100 trong số 160 phân ngành dịch vụ. Ấn Độ có khả năng chỉ kiếm được từ 2 - 10 tỷ đôla Mỹ bằng cách xuất khẩu dịch vụ trong RCEP và sẽ không bù cho lượng nhập khẩu hàng hóa cao hơn. Trong khi đề xuất của Ấn Độ về giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS), ủng hộ việc xử lý các biện pháp phòng vệ trong nước trước khi nhà đầu tư có thể đưa ra tranh chấp, đã có sự ủng hộ từ ASEAN và New Zealand, New Delhi đang chờ nhượng bộ thuế quan hợp lý cho hàng hóa xuất khẩu.
Ấn Độ đang cố gắng đảm bảo một khoảng cách giữa số lượng sản phẩm Trung Quốc mà họ có thể giảm thuế so với những nhượng bộ mà họ có thể nhận được từ Bắc Kinh cho hàng xuất khẩu của mình. Cơ chế này sẽ giúp ngăn chặn thâm hụt thương mại đang phát triển của Ấn Độ với Trung Quốc, vốn được cho là sẽ tăng thêm nếu hiệp định RCEP được ký kết. Khoảng cách thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc trong năm 2018-2019 là 53,6 tỷ USD.
Nguồn: Báo Công Thương